Chiều 5-11, trong phần thảo luận ở tổ dự thảo các nghị quyết của Quốc hội (QH) về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2008; dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, Chính phủ cần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 9% và kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn 7%.
Các ĐBQH cũng đề nghị dự thảo cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò điều hành của Chính phủ để đạt các mục tiêu trên. Trước đó, buổi sáng QH tiếp tục thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC.
Nên ấn định cụ thể con số tăng giá tiêu dùng
Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), nên để chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chứ không đưa ra con số cụ thể và GDP là 9%. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) bổ sung, với đà tăng trưởng và những thành tựu đạt được năm 2007 thì nên chọn phương án tăng GDP năm 2008 với mức cụ thể là 9% chứ không nên ở mức 8,5% - 9% vì khá chung chung.
Nhiều ĐB khác cũng đồng tình với việc ấn định con số GDP năm 2008 là 9% song về chỉ số giá tiêu dùng nên ấn định hay không ấn định thì lại có quan điểm khác. ĐB Lê Thành Tâm (TPHCM) cho rằng nên ấn định chỉ số giá tiêu dùng ở mức không quá 7%. Vì chỉ số giá cả hàng hóa tiệm cận với tốc độ tăng trưởng kinh tế thì mất ý nghĩa của tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến công tác xóa đói, giảm nghèo.
“Để phát triển kinh tế thì không nhất thiết phải khống chế mức bội chi ngân sách ở mức 5% vì như vậy mới có điều kiện để phát hành trái phiếu Chính phủ tăng đầu tư. Chỉ sợ nhất bội chi quá cao là do nợ quốc gia”, ĐB Nguyễn Tiến Dĩnh (Hà Nội) nói.
Ngoài ra, vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm đó là giải pháp cho việc giảm nhập siêu (năm 2008 dự kiến 10,8 - 10,9 tỷ USD), và đề nghị Chính phủ có các giải pháp điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế thay thế hàng nhập khẩu. Bởi nhập siêu năm 2007 cho thấy nền kinh tế còn bị động, càng xuất khẩu thì càng nhập khẩu nhiều.
Nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy nhà nước
“Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2008, thì cần nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả điều hành của bộ máy nhà nước”, ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) nhấn mạnh. ĐB này nêu ví dụ và phân tích, năm nào nghị quyết cũng yêu cầu coi trọng giáo dục, và trên thực tế vấn đề này cũng rất được coi trọng song hiệu quả, mức độ cải thiện đi đến đâu? Dự thảo nghị quyết cần phải nhấn mạnh, tạo sự đột phá trong việc cải thiện một bước chất lượng giáo dục - đào tạo, nếu chỉ nói cứ coi trọng thì khó.
Bên cạnh đó là vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mục tiêu này đã được đặt ra vài năm nhưng chưa hoàn thành, trong khi đó, chính sách lại thay đổi, hết sổ đỏ, sổ hồng, sổ xanh khiến cho việc cấp giấy này vẫn chưa xong. “Năm 2008 là năm bản lề, vì vậy cũng phải có các mục tiêu bản lề, mang tính thực chất hơn như chống ùn tắc giao thông, giải quyết căn bản vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) trình bày ý kiến.
Giảm bức xúc khiếu kiện là nhiệm vụ cấp bách
Tình hình khiếu nại tố cáo thời gian qua vẫn còn phức tạp là thực trạng được nhiều ĐBQH quan tâm đề xuất giải pháp tháo gỡ. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị, một mặt cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư, mặt khác, cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp, những cá nhân có hành vi khiếu kiện sai, kích động, tiếp tay cho những người khiếu kiện sai; thậm chí xem xét áp dụng mức thu phí giải quyết khiếu nại tố cáo để hạn chế tình trạng khiếu kiện “cầu may”, khiếu kiện tràn lan, vượt cấp.
Các ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang), Nguyễn Đình Quyền (Hà Tây) cho rằng hệ thống tòa án hiện đang bị quá tải là do số vụ án phải xử giám đốc thẩm, tái thẩm quá lớn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra – điều tra còn lỏng lẻo cũng là một trở ngại lớn. Trong nhiều trường hợp, cơ quan thanh tra đã phát hiện tiêu cực, nhưng không chuyển hồ sơ ngay mà để đến khi kết luận thanh tra (có khi vài tháng hoặc nửa năm sau) mới chuyển cho cơ quan điều tra, khiến công tác này bị chậm trễ, dễ bỏ lọt chứng cứ, bỏ lọt tội phạm tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu QH, ĐBQH, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình công nhận, tỷ lệ án phải hủy, phải cải sửa còn cao phần lớn là do nguyên nhân chủ quan, và “xin nhận khuyết điểm và khắc phục”.
ĐB Trương Hòa Bình cũng nêu, thực tế ngành tòa án cần bổ sung trên 700 thẩm phán, nhất là ở các tỉnh Tây Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc; đồng thời đề xuất nghiên cứu đổi mới, tăng nhiệm kỳ thẩm phán lên 10 năm; kéo dài thời gian nghỉ hưu thêm 5 năm trong điều kiện nước ta đang thiếu thẩm phán.
Ngoài ra, do đặc thù của công tác này, người đứng đầu Tòa án Nhân dân tối cao kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Nghị định bảo vệ an toàn cho thẩm phán và công chức ngành tòa án, nhất là đối với các phiên tòa dân sự, hành chính, kinh tế.
HÀ MY – ANH PHƯƠNG
Thông tin liên quan |
* Sáng nay, các đại biểu Quốc hội đề nghị: Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa |