Gen Z và “cuộc chiến” chọn nghề

Chọn một nghề theo mình suốt cuộc đời chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là khi việc hướng nghiệp ở trường phổ thông còn những lỗ hổng nhất định thì bạn trẻ 18 tuổi hoặc thậm chí lớn hơn, vẫn không thể biết mình thích gì, phù hợp với ngành nào.
Hoạt động tư vấn cho học sinh chọn ngành, chọn nghề
Hoạt động tư vấn cho học sinh chọn ngành, chọn nghề

Lệch hướng

Cột mốc 18 tuổi đánh dấu bước trưởng thành. Các bạn trẻ được đặt trước nhiều ngã rẽ, bắt buộc phải lựa chọn con đường cho tương lai. Câu hỏi “Tôi sẽ trở thành ai?”, được cụ thể bằng bước đầu tiên là việc chọn học gì, ở đâu? Sự xung đột giữa mong muốn của cha mẹ và ước mơ của con cái; giữa những sở thích bên trong chưa kịp định hình ở những người trẻ bắt đầu từ đây.

Th.S Trần Hải Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TPHCM, trong những lần tư vấn cho các bạn trẻ đã ví von việc chọn ngành học, định vị bản thân của thế hệ Gen Z như một “cuộc chiến” đầu đời mà các bạn phải vượt qua. Khi chưa kịp hiểu mình, chưa kịp định hình sở trường, sở thích và đứng trước “ma trận” ngành nghề, các em dễ bị lệch hướng.

Anh kể, có rất nhiều trường hợp, sự lựa chọn khiến các em tiếc nuối sau này. Đó là khi bạn chọn… đại, miễn có chỗ học là được và thường sẽ loay hoay khi đi học, đi làm, có khi phải đứt gánh giữa đường; có bạn chạy theo những người có thành tựu xã hội, kiếm tiền giỏi, “idol giới trẻ”; chọn theo thị hiếu đám đông, xu hướng thịnh hành cho đến khi... cảm thấy không hợp thì đã muộn. Anh gọi đó là quyết định không lắng nghe mình.

Minh Đỗ (25 tuổi, quê Bến Tre) từng chọn học ngành Quản trị kinh doanh tại một trường đại học công lập theo quyết định của gia đình. Học đến năm 2, em phát hiện ra ngành này cái gì cũng dạy nhưng chẳng dạy gì sâu. Ráng đến năm 3 thì càng học càng chán và không phù hợp với một người yêu thích sự sáng tạo của sự kiện, của những xu hướng trên mạng xã hội. Cuối năm đó, Minh Đỗ quyết định viết thư cho cha mẹ để làm “cuộc cách mạng nghỉ học”. Năm 2019, Minh Đỗ làm lại từ đầu bằng việc trở thành sinh viên năm nhất ngành Công nghệ truyền thông tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM. Học phí cao hơn gấp nhiều lần trường cũ, nhưng nhờ học đúng ngành phù hợp, Minh Đỗ nhận nhiều việc làm thêm đúng chuyên ngành đủ để trang trải học phí.

Đồng hành để định hướng

Các chuyên gia cho rằng, người lớn, cụ thể là người thân và thầy cô cần hạn chế việc so sánh tiêu cực, không mang tính động viên. Theo Th.S Hoàng Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, bản thân thế hệ Gen Z là thế hệ phải chịu nhiều áp lực trong việc định vị bản thân. Áp lực cạnh tranh đồng trang lứa lớn, nếu sự so sánh thiếu tính động viên dễ dẫn đến tự ti hoặc những quyết định tiêu cực. Thay vào đó, hãy động viên các em, trận chiến quan trọng nhất là chiến thắng chính mình. Chúng ta chính là phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, không nên so sánh với bất kỳ ai. Suy cho cùng, hạnh phúc hay không, nằm ở sự cảm thụ của mỗi người, thành công hay giới hạn cũng là cuộc sống mà bản thân các em sẽ trải qua, mà không phải người khác.

Đứng ở góc độ song hành cùng những đứa trẻ sắp sửa trưởng thành, Th.S Nguyễn Thị Ngọc Diệp, chuyên gia tuyển sinh - hướng nghiệp Trường Song ngữ quốc tế Hoàng Gia, cho rằng, hướng nghiệp phải là đồng hành chứ không “định hướng” hay can thiệp thô bạo. Những người đồng hành cần có tiêu chí và không được vượt quá bổn phận. Với học sinh lớp 12 thì thường xuyên cho các em gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu về tư vấn nghề nghiệp, khuyến khích tham gia những buổi định hướng nghề nghiệp ở các trường đại học, trải nghiệm trực tiếp ngành nghề để các em tự rút ra thứ mà mình muốn theo đuổi.

“Ở lứa tuổi này, việc chưa tìm được hướng đi, chưa biết mình thích hợp với ngành nghề gì cũng không có gì phải lo lắng. Người lớn tuyệt đối không bắt ép các em phải đưa ra quyết định nhanh chóng mà phải mưa dầm thấm lâu, lắng nghe, quan sát sở thích, điểm mạnh/yếu, trao đổi khéo léo… để đưa ra lời khuyên”, Th.S Ngọc Diệp khuyến cáo. Cách định hướng này được đánh giá là “chậm mà chắc”, giúp người trẻ không hoang mang khi đứng trước một trong những cột mốc quan trọng của đời người.

Những đứa trẻ châu Á thường được định nghĩa là tương lai của cha mẹ, chúng sẽ phải gánh trên vai áp lực của sự kỳ vọng và áp đặt từ ước mơ của người khác. Cha mẹ hay muốn con làm theo ý mình, trớ trêu hơn khi đó thường là chuyện hệ trọng của đời người như: ngành học, việc làm, hôn nhân... Theo Th.S Trần Hải Nam, các bạn trẻ nên có sự thể hiện chuẩn “chất” người lớn, không giãy nảy, không nổi loạn làm căng thẳng mối quan hệ; cần trao đổi thẳng thắn và nghiêm túc về mong muốn cá nhân.

Tin cùng chuyên mục