Giá dầu thô lại vượt mốc 100 USD/thùng, giá vàng tăng cao, chứng khoán thế giới “đỏ” sàn

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang tác động mạnh đến đến thị trường dầu mỏ, hoạt động đầu tư chứng khoán cũng như giá vàng - tài sản được xem là kênh trú ẩn an toàn hiện nay của giới đầu tư. 

Trong phiên giao dịch ngày 1-3 tại New York Mercantile Exchange, giá dầu thô đã tăng lên các mức cao nhất trong nhiều năm qua. Cụ thể, giá dầu WTI giao tháng 4-2022 đã tăng 7,69 USD (8%), lên 103,41 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 7-2014 theo số liệu tổng hợp thị trường của Dow Jones. 

Tại London ICE Futures Exchange, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5 tăng 7 USD (7,2%) lên 104,97 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 8-8-2014. Trong phiên giao dịch trước đó, giá dầu WTI và Brent lần lượt tăng 4,5% và 3,1%. 

Các chuyên gia nhận định việc giá dầu tăng cao là do chiến dịch quân sự đặt biệt của Nga tại Ukraine cùng với việc các nước phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt Moscow làm gia tăng lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga. Hiện các nước đang tìm cách gia tăng nguồn cung và hạ giá "vàng đen". 

Theo tin mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế, Mỹ và các đồng minh đã nhất trí mở kho dự trữ dầu để bổ sung 60 triệu thùng cho thị trường, qua đó tháo gỡ phần nào khan hiếm nguồn cung. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề trong chờ cuộc họp chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), trong đó có Nga trong ngày 2-3 để thảo luận về chiến lược khai thác dầu trong tương lai. 

Ngoài dầu mỏ, giá vàng tương lai tại thị trường New York cũng tăng mạnh khi các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản đầu tư an toàn. Giá vàng giao tháng 4 tăng 43,1 USD (2,27%), lên 1.943,8 USD/ounce. 

Thị trường chứng khoán toàn thế giới "đỏ" sàn trong ngày giao dịch 1-3. Các chỉ số chứng khoán chủ lực tại Đức, Pháp và Tây Ban Nha đều mất giá hơn 3%, riêng chỉ số chứng khoán  STOXX 600 của châu Âu giảm 2,4%.

Trong khi đó, tại Mỹ, cả 3 chỉ số chứng khoán Dow, S&P 500 và Nasdaq đều chốt phiên với mức giá giảm 1,5%. Đáng chú ý, mã chứng khoán ngành ngân hàng của Mỹ và châu Âu đồng loạt giảm ngày thứ 2 liên tiếp, với mới giảm 5,6%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương không kể Nhật Bản, đã giảm 1,35%.

Tom Simons, nhà kinh tế thị trường tiền tệ tại Jefferies ở New York cho rằng hậu quả kinh tế nghiêm trọng sẽ kéo dài nếu Nga kiểm soát nhiều cơ sở sản xuất lương thực và năng lượng chủ chốt của Ukraine.

Theo ông, giá cả các mặt hàng sẽ đắt đỏ hơn với tất cả người dân trên thế giới. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc ngừng giao thương với Nga có thể đẩy nhanh tốc độ gia tăng lạm phát trong ngắn hạn đối với nhiều nước châu Âu.

Tin cùng chuyên mục