Thay đổi giá dịch vụ khám chữa bệnh
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, “Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập” sẽ được ban hành vào tháng 10 tới. Đây là hướng dẫn cho các bệnh viện về việc xây dựng giá dịch vụ y tế chỉ áp dụng đối với những người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đây cũng là lần đầu tiên, Bộ Y tế ban hành quy định này để đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công đúng với chất lượng cung cấp. Mặt bằng giá được ban hành có tham khảo các bệnh viện tư và giá quốc tế, từ đó Bộ Y tế đưa ra giá trần. Trên cơ sở các quy định của thông tư trên, các bệnh viện có thể tự ban hành giá dịch vụ y tế nhưng không được vượt giá trần do Bộ Y tế quy định.
Theo dự thảo của thông tư, giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 không quá 500.000 đồng/lần khám; các cơ sở y tế khác trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, giá không quá 400.000 đồng/lần khám. Đối với giá giường bệnh tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), giá tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng). Ngoài ra, có các mức 1,3 - 1,5 - 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại 4 giường, 3 giường và 2 giường/phòng.
Đối với bệnh viện ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (trừ bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1) giá ngày giường điều trị có mức từ 900.000 đồng đến 3 triệu đồng/ngày. Các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1) các tỉnh còn lại giá ngày giường điều trị nội trú dao động từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng/ngày. Về giá ngày giường điều trị ban ngày do đơn vị quyết định nhưng tối đa không quá 50% giá ngày giường điều trị nội trú.
Chỉ áp dụng cho trường hợp đặc biệt
Theo đại diện Bộ Y tế, việc ban hành thông tư trên nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện công thực hiện vay vốn, liên danh, liên kết, hợp tác công tư để đầu tư bệnh viện chất lượng cao, khu điều trị khang trang hiện đại phục vụ các tầng lớp nhân dân. Hơn nữa, tạo điều kiện cho người dân, nhất là những người có thu thập cao, người nước ngoài làm việc ở Việt Nam không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh. Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến khám chữa bệnh ở Việt Nam, góp phần phát triển mô hình du lịch gắn y tế, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Trước những băn khoăn của dư luận về quy định mức giường bệnh tới 4 triệu đồng/giường/phòng/ngày cao hơn nhiều so với đi nghỉ ở khách sạn hạng sang, ông Nguyễn Nam Liên lý giải, giường điều trị tại bệnh viện có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng quyết định mức giá cho từng loại giường bệnh, như: hồi sức tích cực, phẫu thuật đặc biệt, nội khoa... Chi phí vật tư chăm sóc người bệnh, mức độ chăm sóc của điều dưỡng, trình độ bác sĩ điều trị... cũng phải tính theo từng loại giường bệnh. “Giường bệnh 4 triệu đồng chỉ áp dụng cho một số trường hợp và rất đặc biệt không phải như khách sạn. Đi khách sạn, người bệnh chỉ đi nghỉ ngơi một chốt lát, còn với người bệnh sẽ có một điều dưỡng theo dõi, chăm sóc 24/24 giờ, người bệnh ăn theo chế độ bệnh lý và người nhà không cần chăm sóc nhưng vẫn có chỗ nghỉ ngơi cùng người bệnh...”- ông Liên chia sẻ. Đồng thời cảnh báo do là giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá phải tham khảo thị trường, nếu giá cao, chất lượng chuyên môn và phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác.
Đại diện Bộ Y tế cũng chỉ rõ, thông tư cũng đặt ra các yêu cầu lộ trình thực hiện, bệnh viện nào chưa đạt các yêu cầu về chất lượng phòng bệnh theo yêu cầu, ví dụ như: phòng kém chất lượng, ẩm mốc... phải sửa chữa, nâng cấp trong thời gian từ nay đến hết năm 2020, khi nào đạt tiêu chuẩn mới được thu mức phí theo yêu cầu, nếu không thì giữ nguyên hiện trạng. Hơn nữa, để minh bạch, rõ ràng trong trường hợp sử dụng tài sản công do nhà nước đầu tư để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì bệnh viện phải hoàn thành các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao cho đơn vị và giữa phần Nhà nước đầu tư và phần liên doanh, liên kết theo yêu cầu thì chỉ được thu phí theo mức trần của Bộ Y tế.
Theo đại diện Bộ Y tế, các bệnh viện chỉ được sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu sau khi bảo đảm được việc khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế (BHYT). Trường hợp quá tải về khám bệnh, hoặc người bệnh có BHYT thường xuyên phải nằm ghép thì không được sử dụng số phòng khám hiện có, hoặc số giường bệnh kế hoạch được giao để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu... |