Giá xăng dầu giảm nhỏ giọt - Lỗi do khâu điều hành giá

Gần đây, trước diễn biến giá dầu thế giới liên tục giảm sâu, dưới 30USD/thùng, cơ quan điều hành giá nhiên liệu đã có động thái điều chỉnh giảm trên thị trường. Tuy nhiên, câu chuyện giá xăng dầu “tăng mạnh, giảm nhỏ giọt” vẫn tồn tại, khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Giá xăng dầu giảm nhỏ giọt - Lỗi do khâu điều hành giá

Gần đây, trước diễn biến giá dầu thế giới liên tục giảm sâu, dưới 30USD/thùng, cơ quan điều hành giá nhiên liệu đã có động thái điều chỉnh giảm trên thị trường. Tuy nhiên, câu chuyện giá xăng dầu “tăng mạnh, giảm nhỏ giọt” vẫn tồn tại, khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Giá xăng dầu giảm nhỏ giọt - Lỗi do khâu điều hành giá ảnh 1

Đổ xăng tại một cây xăng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng


Giảm… có lệ

Cụ thể, lần điều chỉnh gần đây nhất, ngày 19-1-2016, giá xăng RON 92 giảm 590 đồng/lít, xuống còn tối đa 15.442 đồng/lít; xăng E5 giảm 580 đồng/lít còn 14.759 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 912 đồng/lít còn 10.207 đồng/lít; dầu hỏa giảm 886 đồng/lít còn 9.388 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 301 đồng/kg còn 7.245 đồng/kg. Qua đợt điều chỉnh này, người tiêu dùng đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan điều hành giá, song vẫn chưa hài lòng với mức giảm giá nhiên liệu mới, bởi giá bán xăng dầu trong nước giảm chưa tương xứng với mức giảm sâu của giá dầu thế giới. Nếu so sánh với giai đoạn 2008-2010, giai đoạn có mặt bằng giá dầu thô và giá thành phẩm trên thị trường Singapore tương đương hiện nay, thì giá bán lẻ bình quân xăng dầu trong nước, cộng bình quân cả năm 2015 vẫn cao hơn 27% - 40%. Chưa kể, giá dầu thế giới giảm 40% năm qua, trong khi giá xăng trong nước bán lẻ chỉ giảm khoảng 10% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%.

Theo lý giải của cơ quan điều hành giá cũng như các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, nguyên nhân là do trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay, các khoản thuế, phí đang chiếm ở mức cao, trên 50%. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu vẫn ở mức cao cho dù giá thế giới đã giảm sâu. Cụ thể, theo bảng giá cơ sở được công bố bởi Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trong ngày 4-1 vừa qua, khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 373 đồng/lít về mức 16.030 đồng/lít thì giá CIF tính giá cơ sở là 7.520 đồng/lít; giá CIF tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là 7.514 đồng/lít. Cũng theo bảng giá này, thuế nhập khẩu (20%) là 1.505 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) là 902 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng là 1.457 đồng/lít, tổng cộng các khoản thuế là 6.864 đồng, tương đương 42,8% giá bán lẻ xăng dầu. Bên cạnh đó, hai khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức cũng được tính vào giá xăng dầu là 1.350 đồng/lít. Các khoản thuế, phí này gộp lại lên đến 8.214 đồng/lít, tương đương 51,2% giá bán lẻ xăng dầu. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, giá xăng dầu bán lẻ không chỉ phụ thuộc vào diễn biến giá dầu thô thế giới, mà còn phụ thuộc vào khâu chế biến, lưu thông, dự trữ và thuế liên quan tới xăng dầu. Do đó, giá dầu thô và giá xăng xầu bán lẻ là hai khái niệm có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau về tỷ lệ giá. Đó là lý do khiến giá dầu thế giới dù giảm rất sâu, nhưng giá xăng dầu trong nước buộc phải điều chỉnh giảm khiêm tốn.

Thay đổi cơ chế điều hành giá

Trái với lập luận trên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giá dầu thế giới giảm sâu, trong khi Việt Nam giảm nhỏ giọt là do khả năng quản lý điều hành kém của các DN nhà nước. Trong đó, chi phí của các DN này thường chi tiêu “vô tội vạ” do vẫn giữ quan niệm tiền nhà nước, đặc biệt là phần chi trả cho các đại lý thường rất cao. Ngay cả khi DN kinh doanh xăng dầu kêu lỗ với lý do giá bán thấp hơn giá cơ sở, thì thực ra họ vẫn đang có lãi, dù ít! Chưa kể, thị trường xăng dầu là thị trường đặc biệt, không dễ để phá thế độc quyền. Dẫu hiện nay, thị trường có trên 23 đầu mối xăng dầu, nhưng lại có hiện tượng độc quyền nhóm - giữ vị trí thống lĩnh, chi phối thị trường.

Ở góc độ dân sinh, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, do giá xăng dầu trong nước năm nay chưa giảm tương xứng nên đã ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế và đời sống người dân nếu điểm lại một năm qua. Bởi xăng dầu là đầu vào chủ yếu của nền kinh tế, quyết định toàn bộ hệ thống giá, chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của nền kinh tế, nhưng vì không giảm tương xứng nên đã không có tác động mạnh tới hoạt động của DN, giúp kéo giảm giá cả các loại hàng hóa tiêu dùng. Minh chứng rõ nhất là giá cước vận tải không giảm được bao nhiêu; giá hàng tiêu dùng như lương thực thực phẩm cũng chẳng chịu xuống; thậm chí giá của nhiều dịch vụ như điện, nước còn tăng lên. Với người dân, khi giá xăng dầu ở mức cao thì không tránh khỏi việc phải móc hầu bao nhiều hơn cho các chi phí đi lại, sinh hoạt… mà lẽ ra được giảm. Do đó, đã đến lúc phải thay đổi cơ chế chính sách với mặt hàng xăng dầu để minh bạch hơn, công bằng hơn và hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng.

“Thời điểm này thực sự là cơ hội cho việc quản lý thị trường xăng dầu Việt Nam theo hướng mở, thay vì điều hành và chi phối thị trường theo kiểu thông qua Quỹ Bình ổn hay quy định khống chế thời gian 15 ngày mới được điều chỉnh giá xăng dầu như trước nay. Do đó, theo tôi với một quốc gia đang nhập khẩu tới 70% nguồn xăng dầu thành phẩm từ nước ngoài, Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa hoàn toàn mặt hàng này để đảm bảo tính thị trường của hàng hóa”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, phân tích. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý và điều hành giá xăng dầu. Bởi cách quy định hiện nay giao cho DN tự xác định giá bán căn cứ vào giá cơ sở không còn phù hợp. Nhà nước cần quy định giá bán phải thay đổi như thế nào phụ thuộc vào biên độ thay đổi của giá nhập khẩu và giá trần do Nhà nước quy định. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng hiện nay, khi giá xăng dầu nhập khẩu tăng thì DN kinh doanh xăng dầu ngay lập tức tăng giá cao; khi giá xăng dầu nhập khẩu giảm thì giảm nhỏ giọt.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục