“Giải mã” nền giáo dục đứng đầu Mỹ Latinh

Cuba không chỉ đứng đầu danh sách Mỹ Latinh về đầu tư cho giáo dục mà cũng giữ số 1 tỉ lệ đầu tư trên GDP theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2009 – 2013. Ngày nay, dẫu còn nhiều khó khăn về kinh tế, Cuba vẫn được đánh giá là nước có hệ thống giáo dục đạt tiêu chuẩn thế giới, có trình độ phát triển ngang bằng với các nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan, Singapore, Hà Lan, Canada,…

“Nếu bạn biết, hãy dạy; nếu bạn không biết, hãy học tập”

Giáo dục luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Cuba kể từ khi cách mạng thành công vào năm 1959, bởi trước khi cách mạng thành công, hơn một nửa số trẻ em Cuba không được đi học và hơn 1 triệu người bị mù chữ.

Với khẩu hiệu "Nếu bạn biết, hãy dạy; nếu bạn không biết, hãy học tập", Cuba đã huy động gần 300.000 học sinh và người lớn tình nguyện về vùng nông thôn để dạy học cho người nghèo. Chỉ trong khoảng 3 năm, tỉ lệ người biết chữ ở Cuba đã đạt 97%.

Một lớp học ở Cuba. Nguồn: OnCuba
Một lớp học ở Cuba. Nguồn: OnCuba

Ngày 22-12-1961, phát biểu với quần chúng tại Quảng trường Cách mạng ở La Habana, Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố, Cuba là một lãnh thổ "thoát mù chữ". Và đây cũng là ngày được chọn là Ngày Nhà giáo hằng năm ở Cuba.

Các chuyên gia nhận định, thành công về giáo dục ở Cuba đến từ chế độ giáo dục miễn phí của chính quyền cách mạng. Tại Cuba, mỗi trẻ em khi lên 5 tuổi đều sẽ được bắt đầu đi học hoàn toàn miễn phí. Phổ cập giáo dục áp dụng với mọi trẻ em từ 6 tuổi tới hết cấp hai căn bản (thường là 15 tuổi). Giáo dục, gồm cả giáo dục đại học đều miễn phí với mọi công dân Cuba, không phân biệt giàu nghèo hay thành phần xã hội.

Học hết lớp 9, học sinh có thể chọn trường để học tiếp hoặc đi làm. Học sinh Cuba rất ham học. Những học sinh tốt nghiệp các trường dự bị đại học sẽ được theo học đại học miễn phí. Ở nhiều vùng nông thôn, học sinh được học các trường nội trú. Tại các trường này, ngoài giờ học, học sinh còn tham gia lao động nông nghiệp hoặc làm các công việc khác.

Nhận định về hệ thống giáo dục của Cuba, Giám đốc điều hành của Hiệp hội hiệu trường các trường học Mỹ (AASA) Dan Domenech khẳng định: “Cuba là nước có hệ thống giáo dục toàn diện dành cho trẻ em!”

Trung tâm đào tạo ngành y cho toàn thế giới

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định “Ngoài Cuba, không một hệ thống học đường nào tại khu vực Mỹ Latinh đạt các thông số tiêu chuẩn toàn cầu”. Cuba là nơi xem “giáo dục là một trong những ưu tiên chính từ năm 1959 (năm Cách mạng thành công), với một hệ thống giáo dục hiệu quả”.

Báo cáo của WB cũng khẳng định, không một nước nào ở Mỹ Latinh có đội ngũ giáo viên đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn thế giới, ngoại trừ Cuba!

Ngày nay, nhắc đến Cuba, người dân toàn cầu sẽ nghĩ ngay đến một quốc gia có nền y tế, chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới mà trong đó, “hạt nhân” nòng cốt chính là con người.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại La Habana, Cuba. Ảnh: TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại La Habana, Cuba. Ảnh: TTXVN

Cuba có mạng lưới gồm 13 trường đại học trên cả nước cung cấp giáo dục y khoa thông qua mô hình y tế dự phòng độc đáo. Kể từ năm 1999, Trường Y khoa Mỹ Latinh Habana của Cuba cung cấp chương trình giáo dục miễn phí bao gồm toàn bộ học phí, sách giáo khoa, chỗ ở, ăn uống và một khoản trợ cấp cho 35.000 bác sĩ đến từ khoảng 140 quốc gia.

Đất nước này cam kết đào tạo ra những bác sĩ sẵn sàng cứu sống và cải thiện sức khỏe cho nhiều người ở trong và ngoài nước. Nhiều nước trên thế giới học hỏi mô hình tích hợp lý thuyết và thực hành với phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng này, kể cả ở các nước phát triển như Mỹ hay EU.

Không chỉ vậy, Cuba cũng đẩy mạnh trao đổi đào tạo y tế với các nước. Khoảng 2.500 học viên từ Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh đã đăng ký tham gia 43 khóa học chuyên ngành do Bộ Y tế công cộng nước này cung cấp.

Cuba còn nổi tiếng với “xuất khẩu y tế”. Bất chấp sức ép từ lệnh cấm vận của Mỹ, ngành y tế Cuba vẫn đạt nhiều bước tiến mới. Khi đại dịch Covid-19 lây lan mạnh trên toàn cầu, đảo quốc Caribbean này đã đảm nhận sứ mệnh hỗ trợ y tế cho 19 quốc gia chống lại dịch bệnh, thể hiện sức mạnh mềm thông qua ngoại giao y tế.

Theo Times, việc chính phủ Cuba cử các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ra nước ngoài mang lại nguồn lợi khoảng 11 tỷ USD/năm - cao hơn ngành du lịch. Hiện có khoảng 50.000 bác sĩ Cuba làm việc tại 67 quốc gia trên khắp các châu lục.

Đại sứ Cuba: "Mong muốn ngày càng nhiều bác sĩ Cuba sang Việt Nam"

Giáo sư Jusús de los Santos Renó Céspedes, chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành Ung bướu ở Cuba, thăm khám cho các bệnh nhân tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Ảnh: TTXVN

Giáo sư Jusús de los Santos Renó Céspedes, chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành Ung bướu ở Cuba, thăm khám cho các bệnh nhân tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Ảnh: TTXVN

Đầu năm 2023, thông tin với báo giới tại Việt Nam, ngài Orlando Nicolas Hernandez Guillen - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam đã có những chia sẻ và hy vọng vào sự hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Cuba trong thời gian tới.

Về sự hợp tác trong lĩnh vực y tế nói chung giữa Việt Nam và Cuba, đại sứ cho rằng, có rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Chúng tôi cũng rất mong muốn các thành tựu mà Cuba đạt được trong lĩnh vực y tế sẽ được áp dụng và mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều bác sĩ Cuba sang làm việc tại các bệnh viện Việt Nam, thuốc của Cuba sẽ đến được Việt Nam nhiều hơn để điều trị bệnh cho người dân”, ông nói.

Tin cùng chuyên mục