Giảm phát thải khí nhà kính tại cảng biển

Sau lĩnh vực năng lượng thì giao thông vận tải cũng được đánh giá là lĩnh vực phát thải nhiều khí nhà kính nhất, chiếm 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn TPHCM. Để giảm khí thải nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong hợp phần của dự án SPI-NAMA, ban điều phối chung đã quyết định triển khai hoạt động giảm phát thải khí nhà kính tại các cảng biển trên địa bàn TPHCM. 
Cảng biển được đánh giá là khu vực phát thải nhiều khí nhà kính. Ảnh: CAO THĂNG
Cảng biển được đánh giá là khu vực phát thải nhiều khí nhà kính. Ảnh: CAO THĂNG

Nguồn phát thải lớn

Theo nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), vận tải biển là một trong những hoạt động phát sinh lượng lớn khí CO2 vào không khí, chủ yếu qua hoạt động sử dụng năng lượng trên tàu. Các khí thải từ khu vực cảng biển chủ yếu là các khí CO2, CH4, NO2, NO, SO2… Các nguồn phát thải trực tiếp chủ yếu bao gồm các đội phương tiện thuộc sở hữu cảng, phương tiện quản lý cảng sở hữu hoặc cho thuê, nồi hơi, lò nung trong các tòa nhà, thiết bị xử lý hàng hóa.

Các nguồn thải gián tiếp bao gồm liên kết với các hoạt động của người thuê là tàu, xe tải, thiết bị nâng hạ hàng hóa, đầu máy xe lửa, bến cảng thủ công, người thuê sử dụng điện. Tính toán của nhóm nghiên cứu JICA (Nhật Bản) cho thấy, hiện nay các cảng trên địa bàn TPHCM đang phát thải một khối lượng lớn khí CO2 ra môi trường. Đây là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. 

Cụ thể, cảng Bến Nghé mỗi năm thải trên 5.000 tấn CO2; cảng Sài Gòn - Hiệp Phước khoảng 7.750 tấn CO2/năm; cảng container khoảng 101 tấn CO2/năm; cảng xăng dầu Thanh Lễ phát thải khoảng 385 tấn CO2/năm; cảng sửa chữa, đóng tàu cũng phát thải 2.278 tấn CO2/năm.

Ở nước ta, các phương tiện tàu biển - nhất là tàu quá cũ, lạc hậu - phát thải nhiều khí độc do hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải, đang là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường biển. Việt Nam cần có các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chuẩn về giảm thiểu phát thải khí thải, đặc biệt khí thải nhà kính, đối với các tàu cá và tàu vận tải, mới có thể kiểm soát tốt khí thải từ tàu trong hoạt động hàng hải.

Góp ý về các giải pháp giảm khí thải nhà kính ở khu vực cảng biển, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả là sử dụng những sản phẩm, công nghệ carbon thấp rộng rãi trong hệ thống tàu biển, hệ thống xe vận chuyển ở các cảng… Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có một dữ liệu thật chính xác về số lượng tàu ra vào từng cảng, lượng phát thải từng tàu, thiết bị, xe kéo… là bao nhiêu. Đây là vấn đề khó, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành. 

Áp dụng công nghệ carbon thấp

Ông Yasuki Shirakawa, chuyên gia ngắn hạn của JICA, cho biết sau khi thu thập số liệu, tính toán, nhóm đã đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ carbon thấp vào các cảng biển như cấp điện từ bờ, đèn LED trên sân bãi, xe nâng chạy điện… Các giải pháp công nghệ này đã mang lại những kết quả rất khả quan. Theo đó, cảng Bến Nghé giảm được 310 tấn CO2/năm; cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giảm  462 tấn CO2/năm; cảng container giảm trên 1.000 tấn CO2/năm.

Cũng theo ông Yasuki Shirakawa, việc kiểm kê giúp định lượng cụ thể các nguồn gây phát thải khí nhà kính và dự báo được lượng phát thải trong tương lai. Từ đó, giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được các hoạt động khác nhau trong xã hội góp phần thế nào vào quá trình nóng lên toàn cầu, cũng như xác định các khu vực mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, dự án cũng xây dựng một bản hướng dẫn xây dựng kiểm kê khí nhà kính tổng hợp, qua đó không chỉ giúp TPHCM mà cả các thành phố khác có thể thực hiện công tác kiểm kê khí nhà kính. 

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông, cho biết Bộ GTVT cũng đã có Thông tư 48 quy định các điều kiện hoạt động của tàu biển, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Theo đó, bắt buộc các chủ tàu sử dụng nhiên liệu đúng quy định, nghiên cứu chuyển dần sang việc sử dụng nhiên liệu sạch trong tương lai. Đi đôi với việc cơ cấu lại đội tàu biển quốc gia hợp lý (tức là loại bỏ dần tàu cũ, tàu gây nhiều ô nhiễm) để hình thành đội tàu trẻ hiện đại, có sức cạnh tranh cao trên thị trường hàng hải thế giới… Đây cũng được xem là những điều kiện thuận lợi để TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường khu vực cảng biển, trong đó có các hành động giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục