Giám sát đầu tư cộng đồng - cần thực chất

Việc giám sát đầu tư của cộng đồng là cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, công khai trước nhân dân về những công trình, dự án mà cộng đồng dân cư được thụ hưởng. 

Cầm trên tay bộ hồ sơ nghiệm thu và quyết toán công trình mở 2 tuyến hẻm trong khu phố, ông Nguyễn Văn H. (ngụ phường Đa Kao, quận 1), thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng lật qua lật lại từng bản vẽ thiết kế, bản thuyết minh chi phí đầu tư, lắc đầu nói: “Cũng chịu, chẳng biết đâu mà giám sát. Mình phải có kiến thức, hiểu biết về kỹ thuật xây dựng, đơn giá, chỉ tiêu vật liệu ra làm sao thì mới có ý kiến được chứ”.

Nói rồi, ông H. đưa quyển sổ công tác ra cho chúng tôi xem danh sách 7 thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, nhẩm tính: “Có mỗi ông V. trước kia là cán bộ kỹ thuật của một công ty xây dựng, còn lại người thì cán bộ hưu trí, nhân viên kinh doanh, lao động tự do, buôn bán, người thì chẳng nghề nghiệp gì ổn định, đi làm xa cả tháng mới về vài ngày. Theo quy định, người tham gia ban giám sát không phải là người đương nhiệm đang làm việc tại UBND phường, nên thông tin và nội dung, cách thức giám sát của nhiều thành viên còn hạn chế lắm, nhiều công trình, dự án đầu tư trên địa bàn như mù tịt”.

Theo Thông tri 25/TTr-MTTW-BTT ngày 10-8-2017 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn, quyền, nội dung và nhiệm vụ của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng là rất lớn.

Trong đó, nội dung giám sát có đến 5 quyền, từ theo dõi, kiểm tra quá trình chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến kiểm tra chủ đầu tư chấp hành các quy định về chỉ giới đất đai, quy hoạch mặt bằng, phương án kiến trúc, xây dựng, sử lý chất thải, môi trường, đền bù giải tỏa, tái định cư, chất lượng công trình, tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản...

Quyền hạn, nhiệm vụ, nội dung giám sát quá nhiều nhưng trình độ chuyên môn, kiến thức hiểu biết và cả thời gian cho hoạt động giám sát của các thành viên trong Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thì rất ít. Tình trạng giám sát qua loa, hoặc giám sát nhưng hiệu quả thấp là khá phổ biến.

Thậm chí, có dự án, công trình dân sinh trên địa bàn còn thông qua hoạt động giám sát để hợp thức hóa những sai phạm của chủ đầu tư. Dẫn đến, có nhiều công trình xảy ra tranh chấp, khiếu nại, công trình đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã xuống cấp…

Việc giám sát đầu tư của cộng đồng là cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, công khai trước nhân dân về những công trình, dự án mà cộng đồng dân cư được thụ hưởng. Nhưng việc giám sát phải được thực hiện một cách thực chất, kịp thời, hiệu quả và đáp ứng với nguyện vọng, mong muốn của nhân dân.

Tin cùng chuyên mục