Giáo sư Bruce Weigl được biết đến như một hiện tượng của thi ca Mỹ. Ông từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1967 đến năm 1968, đã chứng kiến những sự thật kinh hoàng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong lịch trình 10 ngày trở lại Việt Nam từ 10-12, nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl có dịp giao lưu, hội ngộ với bạn bè, những người yêu thơ, yêu hòa bình.
Sau mưa thôi nã đạn
Câu chuyện khởi đầu từ cuộc gặp gỡ đặc biệt bên lề Hội thảo văn học Việt - Mỹ tháng 6-2010, tại đó Bruce Weigl đã ký tặng Nguyễn Phan Quế Mai tập thơ nổi tiếng “Bài hát bom na-pan”. Không chỉ chú ý đến tập thơ này, suốt 6 tháng qua Quế Mai thao thức với cả 6 tác phẩm được tặng của Bruce Weigl để biên soạn và chuyển ngữ cho ra cuốn sách “Sau mưa thôi nã đạn”.
Dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai tâm sự: “Mặc dù từng căm ghét những người lính xâm lược, nhưng bài thơ đã cứa vào lòng tôi những giọt nước mắt. Người đàn ông to lớn hơn 60 tuổi kia chưa bao giờ ngừng hối hận, ngừng đau đớn vì những điều khủng khiếp mà chính phủ và quân đội của ông đã từng gây ra trên một đất nước yêu hòa bình”.
Qua những bài thơ này có thể thấy thế giới thơ của Bruce Weigl tràn đầy ánh sáng của yêu thương. Ông viết cho Nguyễn Thị Hạnh Weigl như “Con gái của bố”, “Lý thuyết hai sự thật”, “Lời thơ tặng mẹ Nguyễn Thị Vẻ”. Những bài thơ đau đớn hay chan chứa yêu thương của Bruce Weigl đã làm nức nở bao trái tim bạn đọc Mỹ.
Có lẽ chính sự đồng cảm này đã giúp Quế Mai thực hiện nhanh cuốn sách song ngữ Anh - Việt có tựa đề “Sau mưa thôi nã đạn”, gồm 36 bài thơ và 6 bài viết hồi ký liên quan đến các trải nghiệm về Việt Nam của ông.
- Viết bằng sự ám ảnh
Nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl không còn xa lạ với Việt Nam trong các hoạt động giao lưu văn học và dịch thuật giữa hai nước Việt - Mỹ, song ít người biết rằng, người cựu chiến binh nguyên là Chủ tịch chương trình viết văn quốc gia, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thơ của giải thưởng văn học quốc gia Mỹ. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học lớn của Mỹ. Sau tập thơ đầu tay “Một mối tình” (1979), ông là tác giả của 13 tập thơ riêng và quyển hồi ký nổi tiếng mang tên “Vòng tròn của Hạnh”. Và đặc biệt, tập thơ “Bài hát bom na-pan” viết về chiến tranh Việt Nam của ông cũng đã được đề cử cho giải thưởng Pulitzer.
Nhận xét về các tác phẩm của ông, nhà văn Russell Banks (Mỹ) đã không ngần ngại thốt lên rằng: “Những bài thơ đẹp khắc khoải và đau đớn. Bruce Weigl có lẽ đã viết một tiểu thuyết thơ về chiến tranh Việt Nam hay nhất từ trước đến nay”.
Còn theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, thơ của Bruce Weigl viết bằng sự ám ảnh. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: “Đọc thơ của ông ta chập chờn trong cơn mê sảng, lại sống lại những khoảnh khắc hào hùng và đau thương. Ta được ngắm chính ta bằng con mắt của một người lính ở bên kia chiến tuyến, ta cũng cảm thông hơn với số phận của những người bị đẩy vào cuộc chiến tranh tàn khốc. Bằng những bài thơ của mình, Bruce Weigl đã tạo dựng được một bảo tàng chiến tranh Việt - Mỹ”.
Trong chuyến trở lại Việt Nam lần này, Bruce Weigl đã đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn, thăm một số gia đình cựu binh ở Quảng Trị và giao lưu với bạn bè, những người yêu thơ, yêu hòa bình. Đặc biệt, tối 16-12, tại Hà Nội ông sẽ tham dự đêm thơ và giới thiệu sách song ngữ “Sau mưa thôi nã đạn” - tập sách đầu tiên của ông được biên soạn và chuyển ngữ tiếng Việt Nam.
VĨNH XUÂN