Giữ gìn, phát huy các hệ giá trị, góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Ngày 24-11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức Hội thảo “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng ĐBSCL”.
Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo có: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng; cùng đại diện lãnh đạo các viện, trường và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng khẳng định, ĐBSCL là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO, Bộ VH-TT-DL công nhận và là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước về thủy sản, cây ăn trái, lúa gạo, hoa kiểng.

Trong đó, Đồng Tháp là một tỉnh đậm bản sắc, văn hóa vùng ĐBSCL. Để thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị quyết về xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, góp phần nâng cao hình ảnh địa phương, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng phát biểu tại hội thảo
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng phát biểu tại hội thảo

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh Dương Mỹ Pha chia sẻ, tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm 32% dân số toàn tỉnh). Do đó, công tác tuyên truyền, thực hiện giá trị gia đình trên địa bàn được vận dụng bằng cả tiếng Việt và tiếng Khmer, thông qua báo chí, hội nghị, sinh hoạt chi tổ hội, đài truyền thanh cơ sở… Địa phương cũng phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc đối với việc giữ gìn và phát triển các hệ giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, qua đó, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, giúp cấp ủy, chính quyền đạt nhiều kết quả quan trọng trong triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa quan trọng. Có nhiều nội dung, vấn đề đưa ra để tiếp tục nghiên cứu, nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các hệ giá trị, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và đã được khẳng định, làm rõ tại hội thảo quốc gia, gắn với tình hình thực tiễn vùng ĐBSCL. Đồng thời, xác định những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho cấp ủy, chính quyền, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và nhân dân trong vùng triển khai thực hiện, nhằm giữ gìn, phát huy các hệ giá trị, góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu kết luận hội thảo

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu kết luận hội thảo

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL cần quán triệt sâu sắc, toàn diện trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, cấp tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị nêu trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng nhân cách, con người, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo, đưa vấn đề giáo dục giá trị vào trong hệ thống giáo dục quốc dân; phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa - xã hội, cơ quan thông tấn trong sáng tạo, xây dựng và truyền bá các hệ giá trị vào đời sống xã hội; khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, cái ác, cái giả; khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng cho xã hội theo tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Tin cùng chuyên mục