Gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 trên ​sàn thương mại điện tử

"Tình trạng lợi dụng thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục diễn ra, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi", báo cáo nêu rõ. 
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Ngày mai, 16-3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trực tiếp trả lời chất vấn trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Bộ trưởng Bộ Công thương nêu một số nội dung trong báo cáo sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 này.

Về cơ chế quản lý hoạt động TMĐT, Bộ Công thương cho biết đã tập trung xây dựng, ban hành và trình ban hành nhiều cơ chế, chính sách; trong đó đáng lưu ý là “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT”. Đây là 1 trong 6 nhóm giải pháp quan trọng thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu trong kế hoạch tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT giai đoạn 2018 - 2020.

Tính đến hết năm 2021, lực lượng chức năng thuộc bộ này đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 20 tỷ đồng.

Đồng thời, đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bộ đã có văn bản yêu cầu các sàn TMĐT, các website TMĐT bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 như kit test, thiết bị đo SpO2... có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp và chưa thực sự bền vững. Tại nhiều địa bàn, tình trạng bày bán công khai và tái phạm vẫn diễn ra, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, tình trạng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên một số website TMĐT bán hàng hoặc sàn giao dịch TMĐT vẫn tiếp tục diễn ra, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nguyên nhân là do các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Mặt khác, nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.

Trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới, năng lực của cán bộ thực thi công vụ còn yếu; công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả hàng nhái trong TMĐT như công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng.... vẫn còn hạn chế.

Người đứng đầu ngành công thương khẳng định, thời gian tới, lực lượng QLTT tổ chức thực hiện trên toàn quốc Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Từ chuyên đề này, các đơn vị thực hiện chia theo từng nhóm mặt hàng, để rà soát đối tượng, phương thức hoạt động, lập phương án kiểm tra, xử lý vi phạm; báo cáo định kỳ và đánh giá hiệu quả thông qua các chỉ tiêu.

Tin cùng chuyên mục