Việc yêu cầu các giải pháp cho cơ chế phát triển các dự án nguồn điện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã dừng triển khai dự án điện hạt nhân, các nguồn thủy điện lớn không còn và nhiệt điện than bị phản đối gay gắt.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 Việt Nam phải đạt 265 tỷ KWh điện, đến năm 2030 phải có 570 tỷ KWh điện. Tuy nhiên, hiện mới có trên 170 tỷ kWh điện thương phẩm trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt... ngày càng cạn kiệt.
Tổng công suất các dự án thủy điện hiện đạt khoảng 17.000 MW, tạo ra sản lượng điện khoảng 70 tỷ kWh/năm. Hiện có trên 300 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng.
Tại Lai Châu, thuỷ điện nhỏ đã được quy hoạch là 400 MW và có thể đưa vào quy hoạch thêm tới 1.200 MW. Thuỷ điện chiếm 50% đóng góp cho ngân sách của tỉnh.
Tại Lâm Đồng, hiện có 17 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động và có 11 dự án khác đang triển khai dự kiến hoạt động vào năm 2020.
Tại Lào Cai, đến nay, 46 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được khảo sát, lập dự án đầu tư 76 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy dự kiến 1.132 MW và tổng giá trị đầu tư trên 33.000 tỷ đồng.
Nếu cho khai thác thêm khoảng 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa nữa, tổng công suất nguồn thủy điện mới sẽ đạt được từ 3.000 – 4.000 MW, tương đương khoảng 15 tỷ kWh/năm.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ đã đi vào vận hành ổn định, nhiều dự án đã trồng lại rừng, hầu hết không ảnh hưởng tới tái định cư, đời sống vùng thượng lưu, hạ lưu. Việc xả lũ đã theo đúng quy trình được cấp có thẩm quyền ban hành, giúp điều tiết nguồn nước…