Hà Nội căng mình dập dịch sốt xuất huyết

Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm đến nay đã lên tới trên 17.365 trường hợp với 7 ca tử vong. 
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 90.626 trường hợp sốt xuất huyết (SXH) với 24 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là 76.846 người, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tăng 67,8%, số ca tử vong tăng 7 trường hợp. 
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc SXH trên địa bàn thủ đô từ đầu năm đến nay đã lên tới trên 17.365 trường hợp với 7 ca tử vong.
Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc mới SXH ở Hà Nội luôn ở mức trên 3.400 bệnh nhân, số nhập viện dao động từ 2.600 - 3.100 bệnh nhân. Trong 10 năm trở lại đây, số người mắc SXH Hà Nội đang ở mức cao nhất.
Qua giám sát tại Hà Nội có 12 quận/huyện có dịch SXH ở mức “báo động đỏ” gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân. 
Trước tình hình dịch SXH trên địa bàn Hà Nội vẫn rất căng thẳng, nóng bỏng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải, hạn chế thấp nhất tử vong do SXH.
Đồng thời tăng cường tập huấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, các trạm y tế trên địa bàn TP, chú trọng điều trị ngoại trú bệnh nhân SXH.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội cần lập bản đồ dịch tễ để chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi đảm bảo đầy đủ và thuận tiện cho việc kiểm tra, rà soát, phun lần sau.
Đội phun dịch cần có chuyên gia hướng dẫn, đảm bảo đầu phun, máy móc, kỹ thuật phun thuốc diệt muỗi phải chính xác. Các chiến dịch phun diệt muỗi phải lặp lại liên tiếp 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. Cùng với đó, Hà Nội cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người dân hiểu rõ các biện pháp phòng chống muỗi. 
PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận không dưới 1.000 trường hợp SXH. Khu điều trị dã chiến tại hội trường sẽ trở thành phòng khám cho bệnh nhân ngoại trú, điều trị ban ngày, buổi tối về nhà.
Đây cũng là giải pháp để giảm tải bệnh nhân. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn bình quân mỗi ngày tiếp nhận trên 400 bệnh nhân SXH, bệnh viện cũng đã lập riêng biệt khu tái khám và điều trị ban ngày cho bệnh nhân, nhằm giúp bệnh nhân tái khám được khám, lấy máu xét nghiệm, truyền dịch tại chỗ.

Tin cùng chuyên mục