Hà Nội không còn trong tốp 10 những thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Sáng 10-1, chất lượng không khí tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc đã được cải thiện rõ rệt sau khi có đợt không khí lạnh tràn về.

Theo hệ thống quan trắc môi trường tự động của TP Hà Nội vào lúc 10 giờ sáng nay 10-1, chỉ số chất lượng không khí AQI tại Hà Nội là 84 (màu vàng- mức trung bình). Đặc biệt, nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội đã có chỉ số AQI màu xanh, như: phố Lý Thái Tổ có chỉ số AQI 36, Sài Sơn (Quốc Oai) 36, Vân Hà (Đông Anh) 47.

Trong khi đó, qua hệ thống quan trắc không khí IQAir toàn cầu cũng cho thấy, chất lượng không khí của Hà Nội đã cải thiện rất nhiều với chỉ số AQI là 88. Đặc biệt, Hà Nội đã ra khỏi tốp 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới khi sáng nay đứng thứ 34 trong danh sách, với chất lượng không khí ở mức trung bình.

22.jpg
Chất lượng không khí tại Hà Nội đã được cải thiện nhiều

AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao. Thời gian qua, chất lượng không khí tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí nhiều ngày, Hà Nội còn trong tốp 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới do tác động của yếu tố thời tiết thay đổi, khiến chất ô nhiễm không phát tán được lên cao mà tập trung sát mặt đất. Cùng với đó là các hoạt động về giao thông, công nghiệp, xây dựng, dân sinh gia tăng vào dịp cuối năm làm phát sinh và gia tăng nguồn thải.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Bộ TN-MT, Sở TN-MT các tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe phù hợp; khi ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đúng quy cách; thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.

Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại; hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga; trồng cây xanh giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi) nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.

Tin cùng chuyên mục