Hành động quyết liệt hơn để bảo vệ trẻ em

Là một thành phố có gần 2 triệu trẻ em, TPHCM những năm qua đã luôn chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc cho nhóm đối tượng này. Dù vậy, thực tiễn cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nhìn nhận và giải quyết thấu đáo hơn, để đảm bảo trẻ em thực sự được lớn lên trong môi trường an toàn, thuận lợi.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) trong giờ ra chơi. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Học sinh Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) trong giờ ra chơi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bảo vệ trẻ em trong tình hình mới

Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, trong xu thế thời đại công nghiệp 4.0, không thể phủ nhận lợi ích mà đời sống công nghệ mang lại cho con người. Những phương tiện giải trí, mạng internet phát triển mạnh mẽ không ngừng đã mở ra cơ hội học tập, tìm hiểu, và cũng làm thay đổi rất nhiều trong đời sống của trẻ em. Bên cạnh đó, sự phát triển sớm hơn về thể chất, nhận thức, tâm sinh lý của trẻ cũng là vấn đề cần được quan tâm. Những điều này đặt ra cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện nay nhiều vấn đề mới mà trước đây chúng ta chưa nhận diện và bao quát hết được. Đó là việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại từ người thân quen trong gia đình… Vừa qua, có những vụ việc đau lòng, rất đáng tiếc đã xảy ra, trong đó có những vụ việc xảy ra tại TPHCM - như bé gái 8 tuổi bị cha và người tình bạo hành dã man đã qua đời.

Hơn nữa, trong hai năm đại dịch vừa qua, trẻ em cũng là đối tượng bị ảnh hưởng rất nhiều. Việc giãn cách xã hội, học online để phòng chống dịch khiến trẻ phải đối mặt nhiều hơn với sự căng thẳng, với nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng. Thậm chí có hàng ngàn em đã mất đi cha mẹ, người thân, để lại những vết thương lòng khó mà xoa dịu. Công tác bảo vệ trẻ em hiện nay phải tính đến những đặc điểm này.

Thời gian qua, HĐND TPHCM đã gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi và thực hiện nhiều cuộc khảo sát về công tác trẻ em ở nhiều địa phương, đơn vị. Khảo sát bước đầu cho thấy, hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn TPHCM được tổ chức đa dạng, phong phú. Đó là hệ thống các cơ sở công lập, ngoài công lập, cơ sở có chức năng nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em, các cơ sở kết nối và cung cấp dịch vụ an sinh xã hội dành cho trẻ em.

Những kết quả đạt được rất đáng trân trọng, nhưng bên cạnh đó, tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em bị chăn dắt, sử dụng lao động trẻ em trái luật vẫn còn tồn tại. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn xảy ra và đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Trong khi đó, công tác tuyên truyền về quyền trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em đến những người nhập cư từ các tỉnh, thành khác, người dân lao động tại các khu nhà trọ, người dân tại các khu chung cư cao cấp, khu nhà phố biệt lập… còn hạn chế.

Cũng qua những cuộc khảo sát này, HĐND TPHCM nhận thấy, đội ngũ phụ trách công tác trẻ em cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn thường kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, lại thường xuyên thay đổi, nhất là sau thời gian dịch Covid-19. Do vậy, công tác nắm bắt, quản lý thông tin, dữ liệu về trẻ em, can thiệp hỗ trợ các trường hợp bị xâm hại, bạo lực cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tăng cường phối hợp trong bảo vệ trẻ em

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là công việc rất rộng lớn, đòi hỏi tính hệ thống chặt chẽ, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và cộng đồng cũng phải chung tay mới có kết quả tốt. Với số lượng trẻ em lên tới gần 2 triệu, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại TPHCM chưa khi nào là việc dễ dàng. Muốn làm tốt công tác này đòi hỏi cơ chế phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các bên liên quan, gồm cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội đối với trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Từ thực tiễn hoạt động bảo vệ quyền trẻ em trên địa bàn TPHCM và các ý kiến, kiến nghị của cử tri, HĐND TPHCM cho rằng, cần tăng cường vai trò của cấp cơ sở trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Muốn vậy, đội ngũ làm công tác này ở cơ sở cần được trang bị kỹ năng tốt, có chế độ chính sách thỏa đáng để yên tâm làm việc. Công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em cũng phải được nâng cao hơn nữa bằng nhiều hình thức, không chỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mà còn tuyên truyền miệng thông qua sinh hoạt ở khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân. Những trường hợp vi phạm quyền trẻ em, đăng tin xấu độc trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, hành vi của trẻ em cần được xử lý nghiêm bằng chế tài hành chính, hình sự.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục, các trung tâm và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố để góp phần răn đe các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng cường sự giám sát của gia đình, xã hội với công tác chăm sóc trẻ em. Đây cũng sẽ là nguồn chứng cứ để cơ quan công an điều tra, xử lý nếu có vụ việc bạo lực, xâm hại xảy ra.

HĐND TPHCM cho rằng, TPHCM cần tiếp tục hoàn thiện về tổ chức bộ máy, nhân sự và chính sách đối với cán bộ, cộng tác viên, nhân viên xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, nhất là người làm công tác này ở cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong công tác chăm lo cho trẻ em, nhằm tạo thêm sân chơi lành mạnh nâng cao thể chất, tinh thần cho trẻ; thêm nguồn lực chăm lo cho những trẻ khiếm khuyết, thiệt thòi. Cùng với đó là tăng cường cơ chế điều phối, kết nối và phối hợp trong hoạt động bảo vệ trẻ em các cấp, các ngành, các lĩnh vực khác nhau trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, đặc biệt vai trò của Trung tâm Công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố.

NGUYỄN THỊ LỆ
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM
--------------
* Hôm nay 18-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM cùng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo Bảo vệ quyền trẻ em - thực trạng và giải pháp, với mục tiêu đánh giá công tác bảo vệ quyền trẻ em trên địa bàn thành phố hiện nay. Từ đó góp phần tổng kết thực tiễn, cung cấp các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận để đưa ra các giải pháp đề xuất, giúp cho chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành TPHCM thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ quyền trẻ em trong thời gian tới.

* Ngày 17-8, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đã có công điện đề nghị chủ tịch UBND các địa phương giao trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức liên quan nắm bắt, phát hiện những trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội; kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ khi trẻ bị bạo lực, xâm hại...
VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục