Hành trình 60 năm không ngừng sáng tạo của Văn học Nghệ thuật TPHCM

Ngày 17-12, tại TPHCM, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM (Liên hiệp) tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1963-2023).

Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Cùng tham dự còn có các đồng chí: Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy; Phạm Hồng Sơn, Chánh văn phòng Thành ủy; Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT. Về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương. Đông đảo các đại biểu, lãnh đạo và hội viên của 9 hội thuộc Liên hiệp đã cùng tham dự.

z4982132805108-7e409eaf049354560eb346340c1b2c11-9566.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu xem triển lãm về quá trình hình thành và phát triển của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM - tiền thân là Hội Văn nghệ Giải phóng Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, được thành lập vào đầu tháng 12-1963. Sau ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Hội tổ chức Đại hội lần thứ II và được UBND TPHCM ra Quyết định tiếp nhận vào ngày 26-8-1976 với tên gọi Hội Văn nghệ Giải phóng TPHCM. Lúc này, Hội đã quy tụ nhiều văn nghệ sĩ từ các nguồn khác nhau gồm các văn nghệ sĩ từ Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, Hội Văn nghệ giải phóng đặc khu Sài Gòn - Gia Định cho đến một số văn nghệ sĩ có tư tưởng yêu nước sống trong vùng tạm chiếm, cùng một số văn nghệ sĩ từ tập kết miền Bắc trở về. Những văn nghệ sĩ thế hệ đầu tiên này đã tạo thành “xương sống” cho các hoạt động sáng tác VHNT ở TPHCM.

Sau Đại hội lần thứ 3 vào ngày 10-1-1985, Hội được đổi tên thành Hội Liên hiệp VHNT TPHCM. Từ Đại hội lần thứ 5 năm 2001 đến nay, Hội được đổi tên là Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM. Hiện nay, Liên hiệp có hơn 5.400 hội viên sinh hoạt trong 9 Hội thành viên, gồm: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Mỹ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Nhiếp ảnh, Hội Múa, và Hội VHNT các dân tộc thiểu số.

z4982133143091-9ad62e0dde12c3f3706b8fccbc45a842-9560-9657.jpg
Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt cùng các văn nghệ sĩ Thành phố chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trong diễn văn phát biểu tại buổi lễ, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp, đã điểm lại những thành tích mà các thế hệ văn nghệ sĩ của Liên hiệp đạt được trong suốt 60 năm qua. Trong đó, nhiều văn nghệ sĩ vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT; nhiều văn nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

z4982592341216-6022382e45d68a01d9e46280261a1bd0-4732-2136.jpg
KTS Nguyễn Trường Lưu phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

KTS Nguyễn Trường Lưu chia sẻ: “Với quyết tâm phấn đấu xây dựng Liên hiệp các Hội VHNT Thành phố thật sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch và tập thể Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các nhiệm kỳ đã chủ động xây dựng các kế hoạch, giải pháp nhằm không ngừng tạo điều kiện, phát huy năng lực sáng tạo của hội viên thông qua các hoạt động đầu tư sáng tác, quảng bá tác phẩm, các hoạt động về nguồn, tổ chức trại sáng tác, thâm nhập thực tế, hoạt động xét trao giải thưởng và nhất là việc phát động, vận động văn nghệ sĩ tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thành phố tôi”, “Bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo”... Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho văn nghệ sĩ, đặc biệt văn nghệ sĩ trẻ, công tác chăm lo các văn nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp cho VHNT cũng được quan tâm đẩy mạnh. Các hoạt động mang tính đồng bộ đó đã thúc đẩy sự lớn mạnh vượt bậc của đội ngũ văn nghệ sĩ Thành phố trong các năm qua. Đã có không ít tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, được công chúng đón nhận, tạo sức lan tỏa trong nhân dân”.

z4982592375446-1f0ec192539bddf8897076e46106d84d-6249.jpg
Hai vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Dung và Thanh Dậu đại diện cho những văn nghệ sĩ thế hệ trước. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM, Liên hiệp cùng các Hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, tăng cường liên kết, hợp tác với các Hội VHNT kết nghĩa trong và ngoài nước, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với thực tiễn phát triển sinh động. Đồng thời, Liên hiệp đặt mục đích vì sự phát triển và hiệu quả hoạt động của các Hội lên trên hết, lấy hội viên làm trung tâm để xây dựng, phát huy những giá trị đạt được. Từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn khối VHNT, góp phần hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của Thành phố, đất nước”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM Nguyễn Trường Lưu phát biểu.

z4982592348006-e2236bc8b975c839c00280af5e86f6fb-2607.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi lễ

Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM, UB MTTQ Việt Nam TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gửi lời chúc mừng đến văn nghệ sĩ lão thành cùng toàn thể văn nghệ sĩ và gia đình, người thân đã và đang sống, làm việc tại TPHCM. Đồng chí cũng chúc mừng đến những văn nghệ sĩ đã đạt thành tích xuất sắc trong Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 3 và giải thưởng sáng tác quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 1, giai đoạn 2021-2025.

z4982593106784-490e2b040b0b081a69ad89d114b093c7-3163.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao tặng Cờ truyền thống cho Liên hiệp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, 60 năm là gần 1/5 chặng đường dài 320 năm từ ngày cha ông chúng ta mang gươm đi mở cõi. Thời gian ấy cũng đủ dài để chúng ta có thể định hình và phát triển hòa chung trong một dòng chảy VHNT đặc sắc, đa dạng, phong phú qua nhiều cung bậc của lịch sử, mang đậm hồn cốt truyền thống yêu nước thương nòi, phong cách hào sảng, nhân ái, nghĩa tình, giàu lòng trắc ẩn của vùng đất, con người Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM.

z4982593199255-64ed22352e81e12b7d77f265ba5c0c6c-9670.jpg
Các đồng chí Nguyễn Văn Nên, Phan Văn Mãi và Phan Nguyễn Như Khuê trao tặng Bằng cống hiến cho các văn nghệ sĩ tiêu biểu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Thời gian trôi qua, bụi thời gian sẽ phủ mờ quá khứ nhưng truyền thống hào hùng của dân tộc, của Thành phố sẽ sống và sáng mãi. VHNT là nơi lưu truyền sự hào hùng này. Chỉ có VHNT mới đi vào lòng người, làm sống mãi với non sông những gì tốt đẹp của quê hương đất nước mình. VHNT là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, là món ăn tinh thần không thể thiếu của con người. Và hơn thế, nó là động lực to lớn, hun đúc xây dựng nên nền tảng tinh thần mỗi con người Việt Nam, xã hội Việt Nam chúng ta”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

z4982593248364-e7d09c963c1d5d2b7f1e7dbd18346d12-3152.jpg
Các văn nghệ sĩ nhận Bằng cống hiến. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, nhằm ghi nhận những thành tích và đóng góp của Liên hiệp trong suốt 60 năm qua, UBND TPHCM đã trao tặng Cờ truyền thống cho Liên hiệp. Bên cạnh đó, UBND TPHCM còn trao tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 1 cá nhân vì những đóng góp cho sự phát triển của Liên hiệp, gồm: Văn phòng Liên hiệp, Phòng Tài chính - Kế toán Liên hiệp và ông Trần Long Ẩn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp.

Cũng tại buổi lễ, Liên hiệp đã trao tặng Bằng cống hiến cho các văn nghệ sĩ tiêu biểu, đã có những đóng góp cho Liên hiệp trong suốt 60 năm qua. Đồng thời, trao tặng Giấy khen cho 15 tập thể và 157 cá nhân vì những đóng góp cho Liên hiệp trong suốt hành trình 60 năm phát triển.

Nhằm chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), để thể hiện sự đóng góp của giới văn nghệ sĩ cho ngày lễ trọng đại này, bên cạnh các kế hoạch hoạt động thường niên, Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM đã phát động 3 chương trình hướng đến ngày kỷ niệm:

1. Đầu tư dàn dựng và biểu diễn quảng bá, triển lãm, xuất bản... các tác phẩm, công trình hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

2. Kế hoạch về “Tổ chức Cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - 50 năm tự hào bản anh hùng ca”.

3. Kế hoạch về “Bình chọn và tuyên dương các tác phẩm VHNT các chương trình của Thành phố hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025)”.

Tin cùng chuyên mục