Hấp dẫn thị trường đầu tư môi trường Việt Nam

Theo nhìn nhận của giới đầu tư, Việt Nam đang có dư địa đầu tư cho môi trường rất lớn. 
Sử dụng năng lượng sạch, góp phần làm trong sạch môi trường Ảnh: THÀNH TRÍ
Sử dụng năng lượng sạch, góp phần làm trong sạch môi trường Ảnh: THÀNH TRÍ
Điều này xuất phát từ 3 yếu tố. Một là thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam đã rất nghiêm trọng. Hai là số lượng dự án cũng như doanh nghiệp đang hoạt động cần đổi mới công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm nhiều và cuối cùng là quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc phải bảo vệ môi trường bằng mọi giá. 
Tiềm năng thị trường lớn
Phân tích tiềm năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam, ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế kiêm Chánh văn phòng Nhãn xanh Việt Nam, Tổng cục Bảo vệ môi trường, cho biết môi trường nước ta hiện đang chịu nhiều áp lực lớn từ việc phát triển kinh tế - xã hội, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Hàng năm, có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung
Về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, cả nước có đến hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải y tế; có 787 đô thị với 3.000.000m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý. 
Lĩnh vực giao thông cũng đang là điểm nóng ô nhiễm môi trường khi cả nước đang lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô. Ngoài ra, trên cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan. 
Không chỉ có nội tại hiện hữu, việc Việt Nam trở thành thành viên của các hiệp định tự do thương mại cũng hứa hẹn thu hút lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tư tại Việt Nam. Sự dịch chuyển dòng vốn hiện tại cho thấy, sẽ có lượng lớn doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư vào các lĩnh vực như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, chế biến nông sản thực phẩm…
Chính sách ưu đãi
Dư địa thị trường trong lĩnh vực môi trường không chỉ bởi số lượng doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ xử lý chất thải lớn mà còn do sức ép từ nhận thức của người dân cũng như chính sách phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Chính phủ. Thực tế từ những vụ việc ô nhiễm môi trường xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua cho thấy, về phía Nhà nước đã quyết liệt xử lý thông qua hàng loạt biện pháp như làm rõ trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng mức xử phạt hành vi vi phạm môi trường lên 2 tỷ đồng/hành vi, đồng thời xử lý trách nhiệm hình sự lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm môi trường. Về nguồn ngân sách dành đầu tư dự án hạ tầng xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng. Riêng với người dân, nhận thức bảo vệ môi trường đã được nâng lên. Bên cạnh đó, phong trào tẩy chay sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp không bảo vệ môi trường ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam. Điều này đã tạo sức ép lên doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam phải chuyển sang sản xuất xanh và đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, đáp ứng nhu cầu cải thiện môi trường tại Việt Nam.
Hấp dẫn thị trường đầu tư môi trường Việt Nam ảnh 1 Lượng rác trên kênh như thế này cần đầu tư công nghệ xử lý hiện đại                                                           Ảnh: THÀNH TRÍ
Gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã họp tham tán thương mại. Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến kêu gọi thu hút đầu tư cho các vấn đề môi trường. Những chính sách ưu đãi về đầu tư môi trường đã xây dựng, cụ thể như ưu đãi hỗ trợ về vốn, đất; miễn giảm thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, hỗ tợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động môi trường... Đặc biệt, việc hỗ trợ đầu tư môi trường quy định rõ, trong trường hợp quy định thay đổi theo hướng những chính sách quy định sau có lợi hơn quy định trước thì doanh nghiệp đầu tư được hưởng ưu đãi theo quy định sau. Quan trọng hơn, Chính phủ cũng xác định rõ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước có trách nhiệm ưu tiên mua sắm công các sản phẩm thân thiện với môi trường. Riêng với doanh nghiệp tham gia sản xuất điện sạch từ năng lượng gió, mặt trời, rác thải sẽ được Chính phủ Việt Nam mua lại với giá thành rất cao, lên tới gần 10cent/kWh. 
Có thể nói, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe và kinh tế. Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, có gần 200.000 người bị mắc các bệnh nan y mỗi năm mà nguyên nhân một phần do tiếp xúc với các chất thải ô nhiễm. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết thêm, hàng năm Việt Nam có thể chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP.  Do đó, cùng với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, duy trì mức tăng trưởng kinh tế 6,8%/năm thì các địa phương cũng như doanh nghiệp phải đảm bảo yếu tố xanh trong phát triển kinh tế là rất cần thiết.

Tin cùng chuyên mục