Hiểm họa thương tích từ pháo tự chế

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng y tế TP Đà Nẵng đã có phương án bố trí nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế nhằm xử lý kịp thời những tình huống phát sinh. Càng gần dịp tết thì tai nạn do pháo tự chế xảy ra càng nhiều.

Bệnh nhân Đ.H.P. đa chấn thương do pháo nổ
Bệnh nhân Đ.H.P. đa chấn thương do pháo nổ

Những ngày qua, Bệnh viện Đà Nẵng liên tiếp tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho nhiều trường hợp tổn thương nặng do sử dụng pháo tự chế.

Điển hình, ngày 28-1, bệnh nhân Đ.H.P. (12 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đa chấn thương, vết thương thủng bụng lộ nội tạng, tổn thương phức tạp vùng tay trái, đùi trái, các vết thương nham nhở, nhiều dị vật.

Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn viện, xác định đa tổn thương do pháo nổ, vỡ nát nhiều đoạn ruột non, thủng trực tràng, vỡ bàng quang, dập nát tay trái, đùi trái, vỡ khung chậu trái, xây xát bỏng da toàn thân.

z5146494723021-20d37e3ecc95a084c3643fa9d7bc2c2c-1787.jpg
Một trường hợp chấn thương do pháo nổ phải thở máy

Trước đó, ngày 24-1, do đốt pháo tự chế, bệnh nhân N.T.H. (19 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cũng nhập viện cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đa chấn thương ở cánh tay, cổ tay, vết thương hở đùi trái, đùi phải, dập nát bàn tay phải, bỏng mặt, mắt không nhìn thấy.

Ngày 20-1, do đốt pháo tự chế, bệnh nhân N.V.D. (25 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) phải cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng tổn thương cổ tay và dập nát các ngón 1, 2, 3, 4 bàn tay phải, gãy hở ngón 2 bàn tay phải kèm vết thương nham nhở, nhiều dị vật, chảy nhiều máu...

Trước đó, vào ngày 18-1, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.H.K. (16 tuổi, trú tại Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) trong tình trạng khó thở, vết thương phức tạp vùng đầu, mặt, cổ, ngực, cánh tay và mắt không nhìn thấy cũng nguyên nhân do đốt pháo.

Bác sĩ Ngô Hạnh, Phó Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đà Nẵng, người tham gia phẫu thuật cấp cứu cho các bệnh nhân nặng do pháo nổ cho biết, dịp gần tết năm nào cũng có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe, nhiều trường hợp phải chịu thương tật suốt đời. Đối với những trường hợp liên quan đến pháo nổ tự chế thì thường nạn nhân sẽ bị tổn thương đa cơ quan. Bàn tay bệnh nhân thường bị dập nát, do sức ép từ pháo nên phổi sẽ bị dập và tổn thương. Đặc biệt là có thể bỏng giác mạc, hỏng mắt và khí độc có thể tràn vào phổi gây tổn thương phổi.

“Chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh cũng nên quan tâm đến trẻ em. Nhà trường cũng nên có các buổi khuyến cáo để trẻ em không tự tìm tòi chế tạo pháo rất nguy hiểm. Khi mà sự cố cháy, nổ xảy ra thì thương tật của các em để lại rất lớn”, Bác sĩ Ngô Hạnh khuyến cáo.

Để việc cấp cứu, điều trị người bệnh và xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong dịp Tết Giáp Thìn, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, đối với trực tết, đơn vị phân làm 4 cấp: trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.

Đặc biệt, đơn vị chuẩn bị những đội cơ động sẵn sàng ứng phó cho những thảm họa, tai nạn hàng loạt, những biến cố xảy ra trong dịp này. Đối với bệnh nhân bị chấn thương do pháo nổ, bệnh viện đã có báo cáo chi tiết cho Sở Y tế, Công an, UBND TP Đà Nẵng để có những hướng xử lý phù hợp.

capture-6497.jpg
Mỗi ca trực cấp cứu được bố trí 6 bác sĩ, 10 điều dưỡng, 4 nhân viên phục vụ làm việc

Theo báo cáo nhanh của UBND TP Đà Nẵng về tình hình khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ở Đà Nẵng, trong ngày 8-2-2024, Đà Nẵng ghi nhận 5236 trường hợp khám chữa bệnh chung. Bệnh nhân nội trú hiện có 2.278 trường hợp. Trong đó tai nạn do pháo nổ có 2 trường hợp.

xsx-9225.jpg
Khu hành chính ở khoa cấp cứu bệnh viện Đà Nẵng

Dịp Tết Giáp Thìn, Sở Y tế Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị y tế tổ chức trực 24/24 giờ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.

Ngoài ra, danh sách cán bộ trực sẽ được niêm yết tại các khoa, phòng. Các đơn vị liên quan xây dựng phương án thường trực, dự trữ đủ số thuốc, máu, dịch truyền, oxy, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm; bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ; phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm…

Tin cùng chuyên mục