Đáng lo ngại, không chỉ có những người trực tiếp tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp mà ngay cả người dân ở thành phố không tiếp xúc với thuốc BVTV cũng bị phơi nhiễm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Tại vùng trồng rau Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội), cạnh các vườn rau an toàn được trồng trong mái lưới thì có không ít vườn rau được người dân canh tác thủ công, thường xuyên phun thuốc BVTV và một số loại thuốc kích thích tăng trưởng. Dạo quanh các bờ ruộng là rất nhiều chai, lọ, túi thuốc trừ sâu, thuốc “tăng phọt” (thuốc kích thích rau mọc nhanh) vương vãi.
Trao đổi với chúng tôi, bà N.T.T. (55 tuổi, người địa phương) chia sẻ: “Hầu hết người dân trồng rau đều phải phun thuốc, khoảng 10 ngày/lần, nếu không rau rất khó lên xanh tốt, sản lượng thấp”.
Theo các bác sĩ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, việc tiếp xúc thuốc BVTV thường xuyên và không có bảo hộ sẽ rất dễ bị phơi nhiễm. Như trường hợp bệnh nhân T.M.H. (62 tuổi, ở Kim Bảng, Hà Nam), khi gia đình đưa đến bệnh viện, qua xét nghiệm máu đã phát hiện thấy men Cholinesterase trong máu giảm nặng do nhiễm độc mạn tính Phospho hữu cơ - một loại thuốc trừ sâu.
Không chỉ những người dân trực tiếp làm nông nghiệp mới có nguy cơ phơi nhiễm, ngay cả nhiều người dân không tiếp xúc với thuốc BVTV cũng bị phơi nhiễm. Mới đây, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã công bố kết quả xét nghiệm về tồn dư hóa chất BVTV trong cơ thể người khiến cộng đồng không khỏi lo lắng.
Các chuyên gia của viện thực hiện một nghiên cứu với sự tham gia tự nguyện của 67 người (32 nam, 35 nữ) từ 4 huyện ngoại thành Hà Nội gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức. Kết quả, chỉ có 35 người ở mức an toàn, 31 người ở mức nguy cơ (tức là đang có thuốc BVTV lưu tồn trong máu) và 1 người ở mức rủi ro. Đáng lưu ý, phần lớn số người tự nguyện tham gia nghiên cứu trên đều không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng.
Nhận định về kết quả nghiên cứu trên, PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, cho biết: “Trên thực tế, việc hấp thụ thuốc BVTV vào cơ thể xảy ra khi hít phải, uống phải, hoặc tiếp xúc qua da và niêm mạc. Do vậy, nhiều người dù không tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu, hay thuốc trừ cỏ... nhưng trực tiếp sử dụng các sản phẩm rau, hoa, quả còn tồn dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV, hoặc hít phải, đều có nguy cơ cao bị nhiễm”, ông Hải cảnh báo.
Nhiều nguy hiểm
Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), ở Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc BVTV với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Đáng lưu ý, mỗi năm, nước ta chi ra khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu, trừ cỏ và nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm gần 50% là thuốc trừ cỏ, tương đương khoảng 19.000 tấn; tiếp đó là các loại thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32%, tương đương 16.400 tấn. Với một lượng rất lớn thuốc BVTV được sử dụng tràn lan như hiện nay, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, cho biết nếu ngộ độc cấp tính, người bệnh sẽ có những triệu chứng dễ thấy như nôn mửa, nhức đầu, chóng mặt... Đối với ngộ độc mạn tính, các biểu hiện thường không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Lúc này, chất độc sẽ chuyển hóa qua gan, gây nên rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể và có thể dẫn tới ung thư. |
Để hạn chế tối đa nguy cơ phơi nhiễm, ngộ độc thuốc BVTV, người sản xuất nông nghiệp lưu ý chỉ sử dụng các loại hóa chất BVTV trong danh mục, có hiệu quả cao đối với sinh vật gây hại nhưng ít độc đối với người và động vật. Khi sử dụng các thuốc BVTV cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc vệ sinh an toàn lao động: đi găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc. Khi thu hoạch rau củ quả phải chờ hết thời gian cách ly (là thời gian hóa chất BVTV còn không đáng kể trên rau quả).
Người tiêu dùng cần rửa sạch và gọt bỏ vỏ rau củ quả khi sử dụng. Khi có biểu hiện ngộ độc hóa chất BVTV, hoặc có các triệu chứng nghi ngờ, nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời.