Mỹ cáo buộc Trung Quốc nhiều vấn đề
Ông Donald Trump cho rằng, Trung Quốc đã gây áp lực buộc WHO đánh lạc hướng thế giới về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 mà ông mô tả là “virus Vũ Hán”, đồng thời cho biết, tài trợ y tế sẽ được chuyển hướng đến “các nhu cầu sức khỏe cộng đồng và khẩn cấp khác trên toàn thế giới”.
Thông qua hàng loạt sự kiện, các chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đã trở thành một vấn đề trung tâm trong những tháng còn lại của chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Ông Donald Trump xem Bắc Kinh như một mối đe dọa địa chính trị của Mỹ, đồng thời tuyên bố các bước để bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ khỏi các hoạt động tài chính của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ còn cáo buộc Bắc Kinh “tuyên bố bất hợp pháp lãnh thổ ở Thái Bình Dương” và đe dọa tự do hàng hải; tuyên bố Mỹ sẽ không còn trao tình trạng đặc biệt về thương mại cho Hồng Công sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia có liên quan tới Hồng Công.
Richard Fontaine, CEO của Trung tâm An ninh Mỹ, khẳng định “Quan hệ Mỹ - Trung đang khủng hoảng hoàn toàn”. “Chúng tôi đã chạm sàn và tiếp tục rơi xuống. Bắc Kinh sẽ trả đũa, và sau đó quả bóng sẽ trở lại sân của Tổng thống Mỹ. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn - có khả năng tồi tệ hơn nhiều”, Richard Fontaine cho biết.
Còn theo ông Chad Bown, thành viên kỳ cựu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ có tác động mạnh hơn đối với thương mại Mỹ nếu Trung Quốc đáp trả bằng sự leo thang và cưỡng chế tiếp quản chính sách thương mại của Hồng Công. “Nếu Bắc Kinh, bằng cách nào đó, có thể gia hạn thuế quan và trả đũa thì kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng khi hiện các công ty Mỹ xuất khẩu hơn 30 tỷ USD hàng hóa mỗi năm sang Hồng Công”.
Phản ứng từ quyết định của Mỹ
Hiệp hội Y khoa Mỹ, nhóm bác sĩ lớn nhất của nước này, bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất, đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump “đảo ngược quyết định”. Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Đại diện Cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định rút tư cách thành viên của WHO.
“Chắc chắn cần phải có một cái nhìn đúng đắn về những sai lầm mà WHO có thể đã mắc phải liên quan đến Covid-19 nhưng thời gian để làm điều đó là sau khi cuộc khủng hoảng đã được xử lý, chứ không phải lúc này”, Thượng nghị sĩ Lamar Alexander, Chủ tịch Ủy ban y tế Thượng viện Mỹ, nói. Richard Horton, Tổng biên tập tạp chí y học nổi tiếng của Anh Lancet, chỉ trích phản ứng của ông Donald Trump khi rút Mỹ ra khỏi WHO là “kinh hoàng”.
Vẫn chưa rõ khi nào quyết định của ông Donald Trump sẽ có hiệu lực. Nghị quyết chung năm 1948 của Quốc hội Mỹ về tư cách thành viên của WHO cho biết, nước này có quyền rút khỏi tổ chức WHO trong vòng 1 năm kể từ ngày ra thông báo.
WHO đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đây, họ đã bác bỏ những khẳng định của ông Donald Trump cho rằng, WHO đã tiếp tay cho Trung Quốc trong việc đưa những thông tin khác nhau về virus SARS-CoV-2. Theo ông Donna McKay, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Các bác sĩ vì quyền con người, việc Mỹ rút khỏi tổ chức quan trọng này giữa đại dịch lịch sử sẽ làm tổn thương mọi người ở Mỹ và trên toàn thế giới.
Amesh A. Adalja, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nhận định, quyết định của ông Donald Trump trên thực tế không có khả năng thay đổi hoạt động của WHO. Khi được hỏi về quyết định của ông Donald Trump, một phát ngôn viên của LHQ cho biết: “Chúng tôi đã liên tục kêu gọi tất cả các quốc gia ủng hộ WHO”.