Kế hoạch này ước tính sẽ huy động tới 17 tỷ EUR đầu tư công và tư. Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 của EU với 5 quốc gia thuộc chương trình Đối tác phương Đông gồm Ukraine, Moldova, Armenia, Gruzia và Azerbaijan.
Ông C.Michel cho biết kể từ hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 ở Brussels vào năm 2017, quan hệ đối tác giữa EU và các quốc gia phương Đông tiếp tục phát triển. Mối quan hệ này luôn có tầm quan trọng chiến lược nhằm tăng cường mức độ tương thích về kinh tế và chính trị cũng như sự hợp tác với các nước láng giềng phía Đông của EU. Về mặt chính trị, nó bao gồm một loạt sáng kiến nhằm cải thiện quản trị dân chủ, nâng cao tính độc lập của ngành tư pháp, giảm tham nhũng. Về mặt kinh tế, nó thiết lập các chương trình nhằm đưa các quy tắc về lao động và các tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm và thực phẩm của các nước phía Đông đến gần hơn với các tiêu chuẩn của EU và để giảm bớt các rào cản thương mại. Mục đích là để thực hiện các thỏa thuận mà EU gọi là AA/DCFTA, hay Hiệp định Liên kết và Khu vực mậu dịch tự do toàn diện và sâu rộng.
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của 4 trong 6 quốc gia (bao gồm cả Belarus). Trao đổi thương mại giữa các nước đối tác phía Đông và EU vượt 65 tỷ EUR. Viện trợ của châu Âu cũng giúp tạo ra hơn 185.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần tạo ra hoặc duy trì khoảng 1,65 triệu việc làm. EU còn hỗ trợ các quốc gia phía Đông hơn 2,5 tỷ EUR trong cuộc chiến chống Covid-19; chia sẻ 13 triệu liều vaccine các loại do Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt thông qua cơ chế COVAX. EU cũng tài trợ Moldova 60 triệu EUR do giá khí đốt tăng cao ảnh hưởng đến những gia đình nghèo và cung cấp 30 triệu EUR để ủng hộ người dân Belarus.