Hỗ trợ, giám sát đơn vị kinh doanh mở cửa an toàn

Theo Chỉ thị 18 của UBND TPHCM, một số hoạt hoạt động sản xuất, kinh doanh được phép mở cửa trở lại.Trong bối cảnh đó, các địa phương có nhiều giải pháp cụ thể, như hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại an toàn với dịch. Đặc biệt, địa phương cũng sẽ kiểm tra, nếu phát hiện nơi nào chưa đảm bảo quy định phòng dịch sẽ buộc tạm ngưng hoạt động để khắc phục.

Doanh nghiệp cam kết phòng chống dịch

Dù mới ngày đầu mở cửa nhưng quán ăn Minh Ký (391 Trần Phú, phường 8, quận 5) chuyên bán bánh mì xíu mại, hủ tiếu mì, sủi cảo đã nhận khá nhiều đơn hàng. Khi mở cửa trở lại, để đảm bảo giãn cách, quán căng dây ngăn cách phía quầy và khách. Khách tới mua đứng phía ngoài, việc giao nhận đồ ăn được thực hiện qua một chiếc bàn. Khi giao đồ cho khách, chủ quán xịt khuẩn phía ngoài bịch đồ và tiền mặt trước khi nhận hoặc thối lại. Ngoài bán mang đi, quán kết nối các app để khách có thể đặt hàng qua mạng.

“Chúng tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Khi mở bán trở lại, chúng tôi thường xuyên test Covid-19 để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng”, chủ quán ăn Minh Ký cho biết.

Một shop bán giày trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 mở cửa trở lại. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo Bí thư Quận ủy quận 5 Nguyễn Mạnh Cường, dựa trên tiêu chí của Bộ Y tế và Chỉ thị 18 của UBND TPHCM, hiện quận đã thẩm định, cho phép hơn 200 DN, đơn vị kinh doanh lớn hoạt động. Riêng các hộ kinh doanh do phường thẩm định. Hiện quận đã thành lập 4 đoàn công tác đi kiểm tra và hỗ trợ xây dựng các phương án đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch trong DN. Đồng thời, quận chỉ đạo các phường thành lập tổ công tác thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh về đảm bảo an toàn phòng dịch.
Hỗ trợ, giám sát đơn vị kinh doanh mở cửa an toàn ảnh 2 Người dân mua đồ ăn ở quán ăn Minh Ký (391 Trần Phú, phường 8, quận 5). Ảnh: THU HƯỜNG
Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận 3, cho biết, để hỗ trợ DN, hộ kinh doanh hoạt động trở lại trong giai đoạn “bình thường mới”, quận cho ra mắt website www.QLVX.vn, cùng các ứng dụng kinh doanh xanh, tổ chức - DN xanh và hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin điện tử áp dụng đối với DN, hộ kinh doanh. Từ ứng dụng này, DN, hộ kinh doanh có thể đăng ký hoạt động trở lại một cách dễ dàng. Đến nay, có 108 DN, hộ kinh doanh ở quận được thẩm định an toàn và đã hoạt động trở lại.


“Trên bản đồ từ ứng dụng QLVX, DN, hộ kinh doanh thực hiện báo cáo kết quả xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần đối với người lao động theo quy định. Nếu đơn vị nào chậm báo cáo hoặc xuất hiện ca F0 thì bản đồ sẽ chuyển điểm kinh doanh từ “vùng xanh” sang “vùng đỏ” để cơ quan quản lý cũng như người dân cùng giám sát, theo dõi tình hình hoạt động có an toàn hay không”, bà Hằng thông tin.

Đại diện quận Phú Nhuận cho biết, để hoạt động trở lại, các DN, hộ kinh doanh phải hội đủ các điều kiện như có kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phương án xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19. Cùng với đó, phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, tổ an toàn Covid-19; cam kết đảm bảo công tác phòng chống dịch; có bản cam kết giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Buộc tạm ngưng hoạt động nếu không an toàn

Theo bà Trần Thị Bích Trâm, Phó Chủ tịch UBND quận 11, hiện nay trên cơ sở những ngành nghề kinh doanh được phép hoạt động trở lại theo Chỉ thị 18 của UBND TPHCM, quận xây dựng kế hoạch triển khai cho DN, hộ kinh doanh. Sau đó, quận kiểm tra các DN, hộ kinh doanh khi hoạt động trở lại đã đảm bảo an toàn theo các bộ tiêu chí hay chưa. Riêng lĩnh vực ăn uống không được bán tại chỗ mà cho bán mang đi. Đối với 4 lĩnh vực tiếp tục tạm ngưng hoạt động, quận sẽ kiểm tra, nếu đơn vị nào cố tình vi phạm thì sẽ xử lý.

Đối với chợ truyền thống trên địa bàn, quận dự kiến ngày 5, 6-10 sẽ cho phép hoạt động trở lại. Khi chợ hoạt động trở lại phải có phương án đảm bảo phòng dịch như tuân thủ 5K; quy trình đi chợ 1 chiều; đảm bảo giãn cách giữa các ngành hàng, trước mắt cho các ngành hàng thiết yếu hoạt động; các tiểu thương phải được tiêm vaccine đầy đủ. Đồng thời, để kiểm soát lượng người dân đến chợ, quận sẽ tổ chức phát phiếu đi chợ theo số lượng mà TPHCM cho phép.

Ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết thêm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở quận khi hoạt động trở lại phải xây dựng các phương án đảm bảo an toàn phòng dịch phù hợp với đơn vị mình. Trên cơ sở đó, quận thành lập các tổ công tác để hỗ trợ hướng dẫn cho DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu theo bộ tiêu chí an toàn. Sau đó, quận sẽ kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn phòng dịch.

Quận 1 cũng có kế hoạch mở cửa trở lại các chợ truyền thống, dự kiến chợ Bến Thành là một trong những chợ đầu tiên. Theo ông Lê Đức Thanh, khi mở cửa chợ truyền thống, quận kết nối các đơn vị để hỗ trợ xét nghiệm miễn phí trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, quận tổ chức kiểm tra tiểu thương, người dân đi chợ về thẻ xanh Covid-19, các trường hợp không đảm bảo điều kiện thì không cho vào chợ.

Về việc giám sát, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, thông tin, từ kê khai đăng ký mở cửa hoạt động trở lại của các DN, hộ kinh doanh, quận thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về việc tuân thủ các quy định an toàn phòng dịch. Quá trình kiểm tra, nếu DN, hộ kinh doanh chưa đảm bảo quy định về phòng dịch thì sẽ bị buộc tạm ngưng hoạt động, khi nào khắc phục xong mới được hoạt động trở lại.

Tại buổi làm việc với TP Thủ Đức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần trao quyền chủ động cho DN, cơ sở kinh doanh khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, địa phương tăng cường vai trò hậu kiểm để giám sát việc chấp hành quy định phòng chống dịch ở các DN, cơ sở kinh doanh này.

Tin cùng chuyên mục