Tham dự có đại diện chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM và 355 đại biểu, đại diện cho 13.240 tăng ni các hệ phái Phật giáo trên địa bàn TPHCM.
Đại hội đã nhận được hoa chúc mừng của các đồng chí: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và gia đình cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Đến dự đại hội, về phía Trung ương có các đồng chí: Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đỗ Văn Phớn, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng bộ Nội vụ; Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an.
Về phía TPHCM có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TPHCM; Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng đại diện lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban ngành TPHCM và đại diện các tôn giáo bạn dự đại hội.
16 mục tiêu và 17 nhiệm vụ trọng tâm
Tại đại hội, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, Phó Ban Tổ chức Đại hội đã tuyên đọc diễn văn khai mạc đại hội, đã nêu lên những thành tựu Phật sự quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19 với các chương trình chăm sóc đời sống an sinh cho người dân ở các khu cách ly, phong toả, bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đã huy động hàng trăm tăng ni, phật tử trẻ, tình nguyện phục vụ hỗ trợ đội ngũ y tế ở tuyến đầu, chăm sóc người bệnh trong các bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19. Đồng thời, tặng xe cứu thương trang thiết bị y tế cho các bệnh viện; tặng hàng vạn túi thuốc điều trị Covid-19 cho người dân; tổ chức tiếp nhận tro cốt của người qua đời vì Covid-19; tổ chức trang nghiêm Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì Covid-19.
Ước tính sơ bộ, trong nhiệm kỳ IX (2017-2022), Phật giáo Thành phố đã thực hiện công tác từ thiện, an sinh xã hội với khoảng hơn 3.500 tỷ đồng.
Thời gian qua, nhiều cơ sở chùa chiền đã được trùng tu, xây dựng, đáp ứng nhu cầu về tu học và sinh hoạt tín ngưỡng của người dân với các công trình nổi bật như Việt Nam Quốc tự (quận 10), chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn, huyện Bình Chánh), chùa Phổ Quang (quận Tân Bình) và cơ sở 2 Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM.
Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam TPHCM nhiệm kỳ 2022-2027 đã đề ra 16 mục tiêu và 17 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM quyết tâm triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc khóa IX, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam TPHCM khóa X cũng như các chương trình hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam TPHCM đề ra.
Cùng với đó, đồng hành cùng Trung ương, TPHCM thực hiện các phong trào, chương trình hành động trọng tâm; tham gia đầy đủ các phong trào an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc củng cố quốc phòng; tiếp tục đẩy lùi mê tín dị đoan trong các lễ hội truyền thống tôn giáo và văn hoá dân tộc. Tiếp tục phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật qua các chương trình đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các ngày tết, lễ hội truyền thống của dân tộc và tôn giáo hàng năm…
Để ghi nhận những thành tích xuất sắc của các cá nhân đã góp phần trong xây dựng và củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong công tác Phật sự và xã hội từ thiện, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho 1 cá nhân là Hòa thượng Thích Trí Quảng.
Chủ tịch nước cũng đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho 1 cá nhân; Huân chương lao động hạng Nhì cho 3 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân và Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho 3 cá nhân.
Có 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 17 cá nhân nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; 36 cá nhân nhận Bằng khen của UBND TPHCM.
Là cầu nối vững bền giữa chính quyền và đồng bào Phật tử
Theo đồng chí, đây là thời điểm quan trọng phải phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thách thức để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu này, đồng chí tin tưởng tăng ni và đồng bào Phật giáo TPHCM đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực, thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong các hoạt động Phật sự và thế sự trong nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM bày tỏ trân trọng cảm ơn Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đã phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống "Hộ quốc an dân" của Phật giáo Việt Nam, với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; đồng thời không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt hoạt động, thể hiện ý chí hòa hợp, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Phật giáo và tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với nhân dân thành phố.
“Trong mọi hoàn cảnh của đất nước, Phật giáo Việt Nam đã làm tốt vai trò, khẳng định được vị trí của mình trong lòng dân tộc, trong lòng người dân thành phố. Gần đây nhất là đã vận động tăng, ni, phật tử đã ủng hộ sức người, tham gia đóng góp ủng hộ kinh phí cùng Thành phố phòng chống dịch Covid-19”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ bày tỏ.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM, trong bối cảnh đất nước và TPHCM hội nhập mạnh mẽ, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Đặc biệt, TPHCM đặt tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xây dựng chính quyền đô thị.
Đồng chí nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu quan trọng nêu trên, Đảng bộ và chính quyền rất cần sự chung sức, chung lòng, sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, trong đó rất cần sự đóng góp rất lớn của đồng bào Phật giáo thành phố. Lãnh đạo thành phố hy vọng và tin tưởng Ban Chứng minh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM luôn là vai trò là cầu nối vững bền giữa chính quyền, MTTQ các cấp với Giáo hội, với toàn thể tăng ni và đồng bào Phật tử; tích cực tham gia các phong trào do chính quyền, MTTQ Việt Nam phát động, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong đó, quan tâm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với đồng bào Phật giáo; động viên tăng, ni, phật tử cùng người dân thành phố thực hiện tốt các chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân ở mọi nơi, sống hài hòa, đoàn kết.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, cổ vũ tinh thần yêu nước của đồng bào Phật giáo, chủ trọng nắm tâm tư, nguyện vọng và quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Phật giáo, đặc biệt là đồng bào có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục tuyên truyền vận động tăng, ni, phật tử tích cực tham gia các chương trình và cuộc vận động của Trung ương và TPHCM.
40 năm thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 9 nhiệm kỳ với 3 vị lãnh đạo. Từ hơn 1.000 Tăng Ni (năm 1982), đến nay, TPHCM có 13.240 tăng ni, quản lý hành chính 1.469 cơ sở tự viện và 12 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, 1.210 tự viện đã có quyết định bổ nhiệm trụ trì. Trong đó, 1.334 cơ sở Phật giáo Bắc tông, 20 cơ sở Phật giáo Nam tông, 57 cơ sở Tịnh xá, 58 cơ sở tự viện Phật giáo người Hoa với tổng hơn 6 triệu tín đồ. |