* Ngày 19-5-2008: Khởi công “siêu” dự án cao tốc
Bộ GTVT cho biết, đến ngày 30-4, giai đoạn 1 của tuyến đường Hồ Chí Minh từ Hòa Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum) đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho Cục Đường bộ quản lý, khai thác.
Theo Cục Đường bộ, những ngày qua đã có rất nhiều lái xe đi vào tuyến đường mới này do chất lượng mặt đường tốt. Cục đã lắp đặt các hệ thống cọc tiêu, biển báo đảm bảo ATGT, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các phương tiện giao thông chuyển sang đi trên đường Hồ Chí Minh nhằm giảm tải cho quốc lộ 1A. Hiện nay, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang khẩn trương triển khai giai đoạn 2 nối thông toàn tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau.
Đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 3.167 km, đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuyến đường được đầu tư xây dựng với 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe, kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum); giai đoạn 2 nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) và giai đoạn 3 (2010 - 2020) hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến đồng ý cho khởi công dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 19-5 tới đây. Dự án do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Vidifi có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) góp 50%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) góp 29%, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng (Vinaconex) góp 10% và Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group) góp 10%. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng đầu tư lên tới 24.000 tỷ đồng, dài 105km với 6 làn xe cơ giới, bắt đầu từ cầu Thanh Trì (Hà Nội), điểm cuối tại cầu Đình Vũ (Hải Phòng). Mặt cắt ngang đường là 70m. Tốc độ tối đa thiết kế của đường cao tốc đạt 120km/giờ. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011.
H. THÔNG - N.QUÂN