Hoàn thiện chính sách thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Sáng 10-8, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức toạ đàm Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững TP Đà Nẵng.
Toạ đàm có đại diện các sở ban ngành TP Đà Nẵng cùng các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu và xử lý các vấn đề thực tiễn môi trường của địa phương. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Toạ đàm có đại diện các sở ban ngành TP Đà Nẵng cùng các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu và xử lý các vấn đề thực tiễn môi trường của địa phương. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, năm 2020; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đầu năm 2022. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển bền vững về môi trường ở Việt Nam.

Tại hội thảo, GS - TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, thực tế cho thấy, bên cạnh tăng trưởng kinh tế tương đối cao, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, diện tích che phủ rừng được đã khôi phục, ý thức bảo vệ môi trường của chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã từng bước được nâng lên. Kinh tế tuần hoàn đã được chú ý phát triển ở một số địa phương.

Đại biểu phát biểu ý kiến. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đại biểu phát biểu ý kiến. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tuy nhiên, thực tiễn bảo vệ môi trường ở nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập, như tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững; sản xuất và tiêu dùng có lúc, có nơi chưa gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường; việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là ở các làng nghề còn yếu kém, trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp còn thấp, vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh này, Đà Nẵng với vai trò là thành phố đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh. Nhiều năm qua các cấp chính quyền TP Đà Nẵng rất quyết liệt trong vấn đề bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế. Thành phố đã huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA, vốn của doanh nghiệp cho việc đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị để nâng cao năng lực quan trắc, phân tích môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường, kiểm soát ô nhiễm; đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu. Kinh nghiệm quản lý môi trường của Đà Nẵng có thể là bài học tốt cho các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Ông Lê Quang Nam phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Ông Lê Quang Nam phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng mong muốn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước xem xét rà soát ban hành mới các cơ chế, chiến lược, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

“Cần cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, như quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ; quản lý các dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực; phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ cao theo mô hình sinh thái, kinh tế tuần hoàn”, ông Nam đề xuất.

Toạ đàm cũng tập trung phân tích, đánh giá toàn diện các kết quả đạt được cũng như những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường của cấp ủy Đảng các cấp về lĩnh vực bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững tại TP Đà Nẵng; kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và khả năng chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang tăng trưởng xanh ở Đà Nẵng; gợi ý các mô hình, sáng kiến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế cacbon thấp cho các địa phương khác từ kinh nghiệm của Đà Nẵng.

Tin cùng chuyên mục