Hoạt động kinh tế, văn hóa đêm: Vẫn đang đi tìm sự độc đáo

Xác định các hoạt động về đêm như kinh tế, văn hóa có tác động lớn tới du khách, nhiều địa phương trên cả nước đang nỗ lực tổ chức các hoạt động này. Tuy nhiên, mức độ thành công rất khác nhau và cơ bản vẫn đang đi tìm sự độc đáo cho riêng mình.
Du khách trải nghiệm ẩm thực tại khu chợ đêm Hồ Thị Kỷ, quận 10, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Du khách trải nghiệm ẩm thực tại khu chợ đêm Hồ Thị Kỷ, quận 10, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng, các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm của TP Đà Nẵng cơ bản đã hoàn thiện, có sự nổi trội hơn các địa phương khác. Tuy nhiên, địa phương vẫn rất cần có những hoạt động đẳng cấp, khác biệt để níu chân du khách.

Còn ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết, trong tổng số 5 mô hình phát triển kinh tế đêm được Bộ VH-TT-DL gợi ý, tỉnh Kiên Giang đã và đang tập trung triển khai 2 mô hình: hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật và giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Hiện nay, mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đã được hình thành và phát triển tại TP Phú Quốc với các show diễn văn hóa nghệ thuật đặc trưng, như: biểu diễn thực cảnh, nghệ thuật truyền thống và đương đại (vở diễn Tinh hoa Việt Nam, show Once), trình diễn công nghệ ánh sáng kết hợp nhạc nước (sắc màu Venice, Kiss the star). Mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tỉnh Kiên Giang vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư tổ chức các chương trình nghệ thuật quy mô lớn, hệ thống sân khấu kịch, ca nhạc, rạp chiếu phim, các điểm văn hóa cộng đồng… để phục vụ du khách.

Đối với mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm, hiện đã được hình thành ở các vùng du lịch trọng điểm trong tỉnh (TP Rạch Giá, TP Hà Tiên, TP Phú Quốc và huyện Kiên Hải) với hệ thống các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng hải sản, chợ đêm… phục vụ du khách về đêm.

Tại tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, mặc dù thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước nhờ tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết được kết nối, nhưng một số đơn vị lữ hành nhận định, thực tế chi tiêu của du khách còn thấp so với một số địa phương khác. Nhiều du khách ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương,… khi đến Bình Thuận cũng cho biết, sau khi ăn tối xong rất muốn đi chợ đêm để khám phá nền ẩm thực, văn hóa địa phương hay tìm kiếm một chương trình biểu diễn nghệ thuật để giải trí… nhưng điều này chưa đáp đáp ứng được.

Cách TPHCM không xa, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng chưa hình thành được mô hình kinh tế, văn hóa đêm thực thụ. Mặc dù bờ biển khu vực Bãi Trước, Bãi Sau được thắp sáng xuyên đêm nhưng thiếu các dịch vụ nên cũng chỉ rơi vào… tĩnh lặng. Có chăng du khách loanh quanh đến một vài điểm ăn uống về đêm trên đường Đồ Chiểu, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhưng cũng chỉ tầm 1-2 giờ sáng là kết thúc. Trước thực tế này, TP Vũng Tàu lên kế hoạch tập trung vào các sản phẩm du lịch đêm như phố đi bộ, chợ đêm, lễ hội nghệ thuật âm nhạc... làm điểm nhấn để thu hút, tạo sân chơi, giữ chân khách lưu trú dài ngày hơn.

Theo Quyết định 1894/QĐ-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL về việc ban hành Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Riêng các điểm đến Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Từ đó, hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục