Nét mới thời hội nhập kinh tế của công nhân TPHCM

Học thêm tiếng Anh, Nhật, Hoa, Hàn...

Học thêm tiếng Anh, Nhật, Hoa, Hàn...

Học tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Hoa… giờ đây không còn là “độc quyền” của giới sinh viên, học sinh hay nhân viên, cán bộ nữa. Công nhân ở một số công ty, khu chế xuất, khu công nghiệp – mặc dù thời gian eo hẹp và thu nhập không mấy dư dả – cũng đã biết tranh thủ sau khi xuống ca để học tiếng nước ngoài…

  • 6 giờ tan ca - 7 giờ đi học

Đa số học viên học ca 1 (buổi sáng: từ 7 giờ đến 9 giờ) các lớp ngoại ngữ Anh, Nhật, Hoa ở Trung tâm hoạt động công nhân viên Khu chế xuất Tân Thuận đều là công nhân làm ca đêm.

Học thêm tiếng Anh, Nhật, Hoa, Hàn... ảnh 1
Công nhân Công ty Nider Copal trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: M.Hg.

Đặc điểm của công nhân khu chế xuất là làm việc đảo ca: vài tháng làm ca ngày rồi tiếp vài tháng làm ca đêm. Nắm được tính chất công việc của các học viên, ban giám đốc trung tâm bố trí song song hai lớp có cùng trình độ, cùng một giáo viên vào ca sáng và ca tối để khi công ty phải tăng ca hay đến tháng phải đổi ca, học viên có thể chuyển lớp, không phải bỏ học.

Chị Lý Cẩm Nhung, nhân viên trung tâm cho biết: Học viên công nhân hầu hết là học từ A, B, C nhưng rất siêng. Và cũng nhằm mở rộng khả năng lựa chọn thời gian cho công nhân, mỗi ngày, trung tâm có đến 6 ca học từ sáng tới tối cho cả 3 ngoại ngữ. Chính điều này đã giúp cho trung tâm ngoại ngữ quy tụ được số lượng học viên là công nhân lên đến hơn 800 người với hơn 30 lớp.

Có nhiều lý do để công nhân theo học. Trong lớp Anh văn sơ cấp, học từ 17 giờ 45 đến 19 giờ 15, Nguyễn Thị Kim Oanh, công nhân Công ty Tempeal lương mỗi tháng 940.000đ; Nguyễn Thị Bích Thủy, công nhân Công ty FAPV, lương tháng chưa đầy một triệu nhưng đều đã dám bỏ ra 160.000đ (mức giá đã giảm 10% cho công nhân khu chế xuất) đóng tiền cho một lớp Anh văn tuần 3 buổi.

Những ngày còn lại trong tuần, Thủy sang khu Nam Sài Gòn học lớp trung cấp kế toán. Thủy tâm sự: “Em ráng học lấy bằng C rồi học thêm vi tính nữa để xin làm công việc ở văn phòng…”. Nguyễn Thị Lài, công nhân Công ty TNHH Yasuda theo học Anh văn trình độ B, cũng vì “muốn tạo cho mình một cơ hội tìm việc làm tốt hơn”…

Cùng làm ở FAPV nhưng Lê Thị Minh Tâm chọn học tiếng Nhật. Cô cho biết ông chủ công ty là người Nhật nên cô muốn học để tự mình có thể nói chuyện được. Các lớp tiếng Hoa luôn đông học viên vì hầu hết họ làm việc trong các công ty do người Đài Loan, Hồng Công, Trung Quốc làm chủ…!

  • Đưa ngoại ngữ đến công nhân - cách nào

Thời gian qua, một số công ty nước ngoài cũng tổ chức cho công nhân mình học tiếng của giới chủ. Mục đích chính là tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa chủ - thợ. Từ tháng 7-2006, công đoàn Công ty Huê Phong (phường 12 quận Gò Vấp) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn mở lớp dạy tiếng Hoa cho 1.800 công nhân. Mấy chục lớp sơ cấp ban đầu được sinh viên tình nguyện Trường ĐH KHXH-NV đảm trách, học lên cao có giáo viên, có kiểm tra. Tuy nhiên sau vài tháng, qua vài đợt kiểm tra, số học viên còn lại chỉ trên dưới 200 người.

Một cán bộ công đoàn của công ty cho biết: một số lượng không nhỏ công nhân ở đây chỉ có trình độ cấp 1, cấp 2, càng học lên cao càng khó, các bạn không theo kịp. Khi qua giai đoạn sơ cấp, mỗi công nhân theo học được yêu cầu đóng 30.000 đ/người/khóa. Các bạn này sẽ được công đoàn tổ chức thi lấy bằng A vào đầu năm 2007.

Công ty Pung Kook, có trụ sở TPHCM và tỉnh Bình Dương cũng đang mở lớp Anh văn ngoại khóa cho công nhân. Thời gian học vào tối thứ 2, 4 và chủ nhật. Ban đầu, khi triển khai chương trình, có khoảng 70 công nhân đăng ký học. Chị Trần Thị Hà Bình, trưởng phòng nhân sự của công ty cho biết: “Khi đề ra chương trình khuyến khích công nhân đi học, công ty không yêu cầu những công nhân này phải tăng ca, được hỗ trợ học phí và khi công nhân đạt đến trình độ nhất định sẽ được hưởng phụ cấp kỹ năng.

Cụ thể là nếu công nhân đạt được trình độ A sẽ hưởng phụ cấp từ 50.000đ-100.000đ/tháng. Chủ trương của công ty là sẽ tổ chức cho công nhân học lên tới bằng C. Sang năm, công ty còn mở thêm lớp học tiếng Hàn cho công nhân. 

ĐOÀN MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục