Hỏi mạng xã hội, rối bời tương lai

Nền tảng chia sẻ video, TikTok dần trở thành mạng xã hội thời thượng trong giới trẻ, từ thông tin thời sự đến các trào lưu giải trí, dễ thấy người trẻ quen xem - nghe - đọc qua những định dạng video đứng không quá 3 phút. Và mùa tư vấn tuyển sinh cận kề, người ta cũng tìm thấy hàng tá video nội dung định hướng nghề nghiệp, từ màu hồng đến tuyệt vọng.
Các buổi giao lưu, làm việc nhóm giúp bạn trẻ dễ dàng tìm thấy ngành nghề phù hợp
Các buổi giao lưu, làm việc nhóm giúp bạn trẻ dễ dàng tìm thấy ngành nghề phù hợp

Càng coi càng rối

Với từ khóa “ngành học vô dụng” trên nền tảng TikTok, có hàng loạt video điểm mặt chỉ tên những ngành học sinh viên tốt nghiệp thường làm trái ngành, khó kiếm việc làm, thậm chí là không có việc làm vì không còn phù hợp với xã hội hiện tại. Video mới nhất theo nội dung “ngành học vô dụng” cũng hơn 23.700 lượt xem chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ đăng tải.

Có thể thấy, việc bắt chước các trào lưu, đón đầu hoặc tạo ra các xu hướng mới thu hút được người dùng chính là bài toán hái ra tiền của người làm công việc “sáng tạo nội dung trên nền tảng số”. Việc các TikToker tung video hướng nghiệp cũng là điều dễ hiểu khi một mùa tuyển sinh mới sắp đến gần. Tuy nhiên, những video hướng nghiệp kiểu này khiến người trẻ càng coi càng rối, bởi rất nhiều ngành học được các TikToker tỉnh queo đưa vào danh sách “vô dụng” trong thời điểm hiện tại và có thể bị xóa sổ ở tương lai, như: Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân sự, Ngôn ngữ Anh…

“Trong các môn học ở trường, em học khá môn Anh văn và ba mẹ cũng đầu tư cho việc học ngoại ngữ của em từ nhỏ, em luôn đinh ninh mình chọn ngành Ngôn ngữ Anh vì đúng sở thích và thế mạnh. Nhưng coi xong video này, em thấy hoang mang và có chút nản, em sợ học xong rồi mà không tìm được việc, làm trái ngành thì coi như mất 4 năm uổng phí”, Nguyễn Hồng Thanh Nhân (học sinh lớp 11, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ.

Cũng định hướng chọn ngành Ngôn ngữ Anh, nhưng Đỗ Thanh Thảo An (18 tuổi, ngụ quân 7, TPHCM) cân nhắc thêm ngành học Thiết kế đồ họa, bởi sợ mình học xong thì “vô dụng” như “tiên tri” TikTok đang dự đoán. Thảo An kể: “Em đã xác định chọn ngành Ngôn ngữ Anh từ năm học lớp 10, nhưng mấy video trên TikTok cũng làm em thấy lo. Gia đình không quá khá giả về kinh tế, nên em rất sợ áp lực học xong mà không có việc làm. Em cũng đang tham khảo thêm vài nơi tư vấn tuyển sinh và làm phương án dự phòng thêm ngành Thiết kế đồ họa cho mình”.

Chọn con tim và nghe… TikTok

Thống kê tại nhiều quốc gia trên thế giới, số thanh thiếu niên dùng TikTok chiếm hơn một nửa số tài khoản người dùng tại nước sở tại. Tại Việt Nam, TikTok công bố trong năm 2022 là hơn 27 triệu tài khoản. Ngoài ra, một khảo sát do Công ty Nghiên cứu thị trường Decision Lab thực hiện vào quý 4 năm ngoái, cho thấy 67% gen Z (11-26 tuổi) có dùng TikTok.

Có thể thấy, nền tảng chia sẻ video này ngày càng chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với giới trẻ, bởi đúng tâm lý thể hiện bản thân nhiều người và giải trí nhanh - gọn - nhẹ của gen Y, gen Z hiện đại. Lên mạng để nghe tư vấn tuyển sinh hay vấn đề, thông tin mà mình đang quan tâm không còn lạ gì với lớp trẻ, tuy nhiên tin tới đâu là một kỹ năng mà không phải bạn trẻ nào cũng có được, hoặc tự trang bị được cho mình.

Hà Phương Trâm (25 tuổi, chủ kênh TikTok @Tramha025 với hơn 20.000 lượt theo dõi) chia sẻ: “Công việc chính của tôi là lĩnh vực khoa học máy tính, cũng không áp lực gì để câu view, để kiếm tiền từ nội dung số, nên khi bày tỏ quan điểm ngược lại các video “ngành học vô dụng”, có rất nhiều người tấn công tài khoản, nhưng tôi không lo. Chia sẻ trực tiếp ở các trường học, đối tượng tiếp nhận chỉ vài ngàn học sinh là cùng, nhưng trên mạng xã hội thì nhanh như cái chớp mắt đã có hơn 10.000 lượt xem. Tôi thấy các ngành học trong những video kể trên, lượng sinh viên ra trường và đi làm vẫn đều đều, tất nhiên không thể là 100% được, vì có cái gì mà tuyệt đối đâu. Mấy bạn học sinh xem TikTok rồi tự chọn ngành học cho mình rất dễ bị hoang mang và không định hướng được mình có thế mạnh gì, thích cái gì luôn… Vì người làm video chỉ đưa ra nội dung như vậy, không hề có thống kê hay khảo sát uy tín nào cả”.

Hậu quả của những video hướng nghiệp lệch lạc này chính là một lớp bạn trẻ hoang mang về tương lai không biết chọn con tim để theo nghề mà mình thích, hay nghe TikTok để tránh nghề “vô dụng”. Do thuật toán và tính tò mò, một bộ phận bạn trẻ vẫn xem và chia sẻ nên các nội dung này nhanh chóng trở thành xu hướng hàng đầu trên các nền tảng số. Và không biết đến lúc những lời cảnh báo thành hiện thực, liệu người trẻ có kịp giật mình để đặt câu hỏi tin vào chính mình, hay nghe lời nội dung số trên nền tảng trực tuyến, mà người làm ra video, hình ảnh, bài viết không chừng cũng đang thất nghiệp, nhưng tư vấn hướng nghiệp trên mạng thì trình độ “thượng thừa”.

Tin cùng chuyên mục