Hơn 22.554 hộ ở Tiền Giang được cấp nước ngọt cứu vườn cây

Tính đến 15 giờ chiều nay, 7-4, các ngành chức năng ở Tiền Giang đã vận chuyển hơn 460.308 m3 nước ngọt hỗ trợ miễn phí cho khoảng 22.554 hộ dân nhằm cứu vườn sầu riêng và các loại cây ăn trái khác đang bị hạn mặn hoành hành dữ dội trong nhiều ngày qua.

Chiều 7-4, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, liên tục những ngày qua, các ngành chức năng đã vận chuyển hơn 460.308 m3 nước ngọt hỗ trợ miễn phí cho khoảng 22.554 hộ dân nhằm cứu khẩn cấp vườn sầu riêng và các loại cây ăn trái khác đang bị hạn mặn hoành hành dữ dội. Nếu việc cấp nước không kịp thời thì nguy cơ vườn cây ăn trái bị thiệt hại do xâm nhập mặn tấn công là rất lớn.
Hơn 22.554 hộ ở Tiền Giang được cấp nước ngọt cứu vườn cây ảnh 1 Người dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đi lấy nước ngọt về cứu vườn cây ăn trái. Ảnh: NGỌC DÂN
Cụ thể, huyện Cái Bè đã tổ chức 2 điểm tiếp nhận 11.674 m3 nước ngọt để cấp cho 270 hộ; huyện Cai Lậy có 22 điểm tiếp nhận 324.695m3nước cấp cho 15.017 hộ; thị xã Cai Lậy có 20 điểm tiếp nhận 48.308 m3nước cấp cho 4.301 hộ; huyện Châu Thành 6 điểm tiếp nhận 38.545 m3nước ngọt cấp cho 2.000 hộ; huyện Chợ Gạo có 4 điểm tiếp nhận 19.445 m3 cấp cho 611 hộ…
Hơn 22.554 hộ ở Tiền Giang được cấp nước ngọt cứu vườn cây ảnh 2 Đến chiều ngày 7-4 đã có 22.554 hộ được hỗ trợ nước ngọt cứu vườn cây ăn trái ở Tiền Giang bị hạn mặn. Ảnh: NGỌC DÂN

Ngoài ra, ngành chức năng cũng khẩn trương vận chuyển nước bằng xà lan về cấp cho các ao ở xã Phú Thạnh và Tân Thới (thuộc huyện cù lao Tân Phú Đông) được khoảng 4.790m3 nhằm hỗ trợ bà con gặp khó khăn về nước ngọt sinh hoạt.

Hơn 22.554 hộ ở Tiền Giang được cấp nước ngọt cứu vườn cây ảnh 3 Sà lan vận chuyển nước ngọt về hỗ trợ nông dân tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NGỌC DÂN

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), sau thời gian độ mặn giảm thì từ ngày 8 cho đến 15-4, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL sẽ tăng trở lại theo kỳ triều cường. Ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Vàm Cỏ xâm nhập sâu từ 110-120km, cao hơn 24-25km so với mức cao nhất tháng 3-2020; sông Cái Lớn từ 60- 65km, cao hơn 8-13km so với mức cao nhất tháng 3-2020; trên các sông cửa Tiểu và cửa Đại xâm nhập mặn sâu khoảng 50-55km; sông Hàm Luông từ 70-75 km; sông Cổ Chiên 45-50km; sông Hậu (Cửa Định An và Trần Đề) khoảng 45-50km...  

Sau thời gian xâm nhập mặn lên cao này thì từ nửa cuối tháng 4-2020, xâm nhập mặn ở vùng các cửa sông Cửu Long khả năng giảm nhanh; đến đầu tháng 5-2020, xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn bắt đầu giảm…

Hơn 22.554 hộ ở Tiền Giang được cấp nước ngọt cứu vườn cây ảnh 4 Hạn mặn làm hàng ngàn héc-ta lúa đông xuân của nông dân Trà Vinh bị thiệt hại. Ảnh: NGỌC DÂN

Đối với tình hình khí tượng thủy văn, tổng lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 6-2020 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Thời điểm bắt đầu mùa mưa có thể xuất hiện giữa tháng 6-2020, muộn hơn so với cùng kỳ năm 2019, và trung bình nhiều năm.

Hơn 22.554 hộ ở Tiền Giang được cấp nước ngọt cứu vườn cây ảnh 5 Bộ NN-PTNT khuyến cáo nông dân ĐBSCL tranh thủ xuống giống lúa đông xuân đồng loạt vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2020, khi nguồn nước ngọt thuận lợi. Ảnh: NGỌC DÂN

Từ diễn biến của xâm nhập mặn trên, Cục Trồng trọt cho biết, sẽ bố trí sản xuất hơn 1,5 triệu ha lúa hè thu 2020 một cách hợp lý nhằm đảm bảo năng suất từ 5,6- 5,8 tấn/ha, sản lượng hơn 8,7 triệu tấn lúa. Theo đó, việc xuống giống lúa hè thu có thể thực hiện đồng loạt từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 khi nguồn nước về thuận lợi.

Riêng những khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn thì phải rửa mặn, tháo phèn thật kỹ trước khi xuống giống. Các vùng cửa sông cách biển 40km trở xuống cần phải chờ mưa xuất hiện trên diện rộng, nguồn nước ngọt trên sông ổn định và lượng nước đủ tiêu thoát mới xuống giống, nhằm tránh bị thiệt hại. 

Tin cùng chuyên mục