Trong số 517 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, toà án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân đối với 9 bị cáo, xử tù từ trên 15 năm đến 20 năm với 20 bị cáo, tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 65 bị cáo, 89 bị cáo được hưởng án treo... Chưa có bị cáo nào bị tuyên án tử. Các toà án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.
Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp cơ bản đồng tình với nhận xét này. Theo đó, nhìn chung việc xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã quán triệt yêu cầu xử lý theo hướng “rõ đến đâu xử lý đến đó”, chia thành các giai đoạn để xử lý dứt điểm.
Hiện chỉ còn 2 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13 và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình đang được xem xét, giải quyết. Trong tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Toà án nhân dân Tối cao và các toà án nhân dân Tối cao phải giải quyết là gần 16.400 đơn/vụ, đã giải quyết được 48,1%, tăng trên 2.600 đơn so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng lưu ý, trong tổng số gần 7.900 đơn/ vụ đã giải quyết, toà án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị gần 7.500 vụ. Về cơ bản đến nay đã khắc phục được tình trạng đã trả lời cho đương sự là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao lại phát hiện bản án đã có hiệu lực có sai lầm nghiêm trọng.
Quá trình giải quyết, các toà án đã tập trung xem xét, ưu tiên giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết.
Đáng chú ý, theo báo cáo, trong 10 tháng qua, số lượng các vụ việc mà toà án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng, đã xuất hiện một số phương thức phạm tội mới, nhất là hiện tượng sử dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc; hoạt động bảo kê, tín dụng đen…
Đặc biệt, số vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn có xu hướng tăng về số lượng với tính chất của tranh chấp rất gay gắt và phức tạp.