Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ là cơ sở tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh bình thường mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ngày 5-6, Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập trong tình hình mới” diễn ra tại TPHCM, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức nhằm có căn cứ tham mưu với Ban chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Hơn 600 đại biểu là chuyên gia, doanh nghiệp, cùng lãnh đạo cấp cao nhà nước tham dự diễn đàn. 

Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 3 Quang cảnh diễn đàn kinh tế sáng 5-6. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đã làm bộc lộ nhiều vấn đề của nền kinh tế cần phải khắc phục; đồng thời cũng mở ra những hướng phát triển mới hướng tới mục tiêu vừa ứng phó với dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện hiệu quả và thực chất các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được đặt ra một cách cấp thiết, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong trung và dài hạn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến vào 3 chủ đề chính: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid 19; Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sảnĐổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 5 Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương trao đổi ý kiến với các đại biểu, doanh nghiệp trước thềm diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
* Với phiên họp "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid 19", hội thảo tập trung vào một số nội dung quan trọng như: giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập; những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch Covid-19; hoàn thiện pháp luật nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch Covid-19; kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, bài học rút ra đối với Việt Nam; vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam; việc làm thỏa đáng thích ứng điều kiện bình thường mới sau đại dịch Covid-19; lao động, việc làm trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới; đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động cho người lao động...

Giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tạo đà bật cho kinh tế Việt Nam

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, các mặt hàng nguyên liệu và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng cao và ít thay đổi trong suốt giai đoạn vừa qua. Việc phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ngành công nghiệp chế biến chế tạo thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. Công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đóng góp khoảng 16% GDP so với mức 26% của Thái Lan, 36% của Trung Quốc. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp. 

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh thêm, công nghiệp hỗ trợ chính là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Nước nào có công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển mới có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển dịch nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, gia tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP. 

Tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nỗ lực tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam, cũng như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng gợi ý một số giải pháp cần được thực hiện để giải quyết một số bất cập hiện nay, gồm có: 

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo động lực cho phát triển công nghiệp bền vững, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp.

Thứ hai, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trên nguyên tắc dựa trên lợi thế của đất nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước; nâng cao năng lực và tính chủ động của các địa phương, tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh. 

Thứ ba, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp, chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu doanh nghiệp công nghiệp trong nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp công nghiệp hướng đến mô hình nhà máy thông minh, phát triển doanh nghiệp công nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển đất nước. 

Thứ tư, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại, từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Thứ năm, xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, có cơ quan theo dõi, giám sát, với các tiêu chí đánh giá và chỉ tiêu cụ thể. Những giải pháp này cần được triển khai đồng bộ với công tác truyền thông, thay đổi và nâng cao nhận thức của các bên liên quan và cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững, qua đó, giúp doanh nghiệp Việt Nam thực sự chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể phát triển, vươn ra thế giới, cũng như hình thành chuỗi cung ứng bền vững trong nước.


Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 6 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao đổi với các đại biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 7 Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tham gia diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
* Với phiên họp "Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản", các diễn giả tham luận về các vấn đề xu hướng chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam; phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế; Những vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay - Kiến nghị và đề xuất giải pháp; Giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam và xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế. 
Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 8 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

* Riêng phiên họp "Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng", các tham luận chính tập trung bàn về các vấn đề đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như: sự phát triển của chuỗi giá trị vượt ra ngoài phạm vi hoạt động sản xuất; định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam; kinh nghiệm về ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chuyển đổi số và chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; trọng tâm định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; bài học kinh nghiệm thực tiễn ở doanh nghiệp sản suất nông nghiệp Việt Nam về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng…
Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 9 Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

Chuyển đổi số - Giải pháp cốt lõi để thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế

Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 10 Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, thực tiễn Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Đơn cử, có 4.319 bằng độc quyền sáng chế, 18.197 công bố quốc tế. Tỷ lệ chi cho nghiên cứu triển khai khu vực ngoài nhà nước tăng lên đạt 40,07%, khu vực FDI 12,87%, khu vực Nhà nước 47,05%. Song song đó, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã huy động được gần 800 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện.

Riêng chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%-20%/năm.

Thống kê sơ bộ cho thấy, về chuyển đổi số, tính đến hết quý I năm 2022, đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo. Đặc biệt, các ngành tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải... đã có những kết quả tích cực trong hoạt động chuyển đổi số và đưa các hoạt động thường xuyên của ngành lĩnh vực lên môi trường số.

Về đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định FTAs với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA.

Tuy nhiên, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Nhóm ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ có mức lan tỏa và độ nhạy thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều.

Bên cạnh đó, hiệu quả đổi mới công nghệ chỉ đóng góp khiêm tốn ở mức 28,44% trong TFP giai đoạn 2016-2018; tỷ lệ cấp bằng độc quyền sáng chế cho người Việt Nam rất thấp, năm cao nhất (2018) chỉ đạt 9,2% tổng số bằng được cấp tại Việt Nam.

Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự đồng bộ của các khâu: nguồn cung khoa học – công nghệ của khối đại học và viện nghiên cứu, khả năng áp dụng và năng lực đầu tư cho khoa học – công nghệ của khối doanh nghiệp và hệ thống quản lý, chính sách của Nhà nước.


Chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn chậm, còn thiếu các cơ chế, chính chính sách hỗ trợ... Mặt khác, nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập cao nhưng chỉ tập trung vào một số ít thị trường dẫn đến thiếu bền vững.

* Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, trước hết, phải xác định trọng tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo phương pháp đo lường ADB cho thấy, Hoa Kỳ vẫn là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Về phía Việt Nam có lợi thế là lực lượng lao động gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu mạnh về số lượng lẫn chất lượng. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam trên các thị trường nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đang tăng nhanh trong những năm gần đây.

Do vậy, để có thể đi nhanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam không nhất thiết phải đi theo con đường tuyến tính mà hoàn toàn có thể áp dụng con đường phi tuyến tính.

Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 11 Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo đó, có thể đi thẳng từ lắp ráp lên thiết kế và tiếp cận trực tiếp với thị trường quốc tế. Và muốn vậy, Chính phủ cần tính đến đầu tư mạnh cho nghiên cứu, tập trung vào những sản phẩm nào mà Việt Nam muốn phát triển.

Bên cạnh đó, cần tạo môi trường thuận lợi hơn để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuyển đổi số. Đặc biệt, cần giải quyết triệt để vấn đề liên quan đến độc quyền chuyển đổi số...


* Ông Nguyễn Đăng Hải, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ KH-CN cho biết, tỷ lệ đầu tư cho khoa học và công nghệ trên GDP còn thấp so với nhiều quốc gia. Năng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học còn khiêm tốn, thiếu gắn kết với doanh nghiệp. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Cơ chế, chính sách, hệ thống các tổ chức trung gian chưa tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm khoa học và công nghệ được trao đổi, mua bán trên thị trường...


Thời gian tới, cần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 đặc biệt là chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài;...

* Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ có khoảng 10% nông dân tiếp cận công nghệ số và sử dụng điện thoại thông minh. Để có thể chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, cần thiết phải áp dụng hiệu quả “Văn phòng không giấy - đồng ruộng không dấu chân - sản xuất không tiền mặt”. 

Cùng chia sẻ những vấn đề trên, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH-CN chia sẻ, Việt Nam đang tụt 2 bậc và đứng 43 trên thế giới về đổi mới sáng tạo tốt. Tuy nhiên, Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu đổi mới sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2021, cả nước đã thu hút 1,5 tỷ USD cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Để bắt kịp, đi cùng và vượt lên trong đổi mới sáng tạo, cần xây dựng nhiều thể chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Có thể triển khai đổi mới sáng tạo từng phần cho 800.000 doanh nghiệp thay vì đổi mới hoàn toàn. Cùng với đó, có chính sách chuyển dịch cơ cấu công nghệ từ các nước phát triển sang sản xuất tại Việt Nam, từng bước kéo giảm tỷ lệ nhập khẩu công nghệ vốn đang chiếm 75% như hiện nay. Bên cạnh đó, cần thiết nâng cao năng lực tổ chức trung gian. Về phía doanh nghiệp, Chính phủ cần giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn vốn giá rẻ, năng lực nguồn nhân lực. 

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ là cơ sở tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh bình thường mới. 

Tin cùng chuyên mục