Hợp tác các tỉnh để giảm người lang thang xin ăn

Tình trạng có nhiều người lang thang, xin ăn đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan, văn minh đô thị, hình ảnh của TPHCM. 

Mỗi năm, Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP tiếp nhận trên 2.000 người lang thang, xin ăn. Thành phố đã quyết liệt giảm lượng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Song quá trình thực hiện có phát sinh những vấn đề mới, người xin ăn bị lợi dụng, bị bóc lột hoặc đối phó với cơ quan chức năng. Điều đó đòi hỏi các cơ quan liên quan của thành phố phải thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt thực tiễn để tham mưu giải pháp giải quyết tốt nhất, giảm tối đa số người lang thang, xin ăn.

Sự phối kết hợp giữa các tổ chức, các ngành có liên quan và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần tốt hơn. Hơn ai hết, chính quyền địa phương cấp cơ sở phải phát hiện kịp thời, thực hiện ngay việc tập trung đối tượng người lang thang, xin ăn trên địa bàn mình quản lý. Đồng thời, vận động người dân không cho tiền người xin ăn trên đường phố.

Đặc biệt, ngành LĐTB-XH cần kết hợp chặt chẽ với ngành công an, các ngành liên quan để vào cuộc, giải quyết các vấn đề: chăn dắt, xúi giục, ép buộc người già, trẻ em, người tàn tật đi xin ăn... Cần xử lý nghiêm khắc các vụ việc để làm gương nhằm răn đe, giáo dục các đối tượng đã và đang có ý đồ trục lợi trên thân xác của người yếu thế; đeo bám, chèo kéo khách du lịch.

Sở LĐTB-XH TPHCM cũng cần chủ động hơn trong việc hợp tác với các tỉnh - nơi có nhiều người địa phương khác tới TPHCM lang thang, xin ăn, nhằm giải quyết tình hình một cách bền vững.

Góp phần giảm số người lang thang, xin ăn, ngành LĐTB-XH TP và chính quyền địa phương cũng cần tăng cường dạy nghề, giới thiệu việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Cần chăm lo tốt hơn các đối tượng này ngay tại cộng đồng. Tránh tình trạng lâu lâu ra quân tập trung người xin ăn, sau đó lại đâu vào đấy. Cần gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát thực thi nhiệm vụ cũng phải tăng cường.

Thành phố nên thí điểm khi người dân phát hiện người lang thang, xin ăn báo cho chính quyền địa phương thì người báo sẽ được nhận một khoản thù lao nhất định do ngân sách địa phương đó chi trả.

Một khi các giải pháp được thực hiện tốt, đồng bộ thì tình trạng lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng mới giảm; góp phần tạo hình ảnh đẹp về TPHCM.

Tin cùng chuyên mục