Hướng dẫn viên phượt: Thừa đam mê, thiếu trách nhiệm

Những năm gần đây, phượt - một khái niệm chỉ hình thức du lịch tự thử thách chính mình - đang trở nên hết sức quen thuộc với nhiều người, nhất là giới trẻ. Từ một thú vui, phượt thành một đam mê và không biết từ bao giờ, phượt đã dần trở thành một nghề lạ cho các bạn trẻ.
 Những hướng dẫn viên trẻ của đoàn phượt tham gia hỗ trợ khách trong những điều kiện khó khăn
 Những hướng dẫn viên trẻ của đoàn phượt tham gia hỗ trợ khách trong những điều kiện khó khăn
Sức khỏe là trên hết
Vác trên vai chiếc ba lô chuyên dụng cho leo núi nặng hơn 20kg cùng với 2 chiếc ba lô khác của khách phía trước và bên hông, Vinh kể về công việc hướng dẫn viên cho các đoàn phượt. Công việc chính của chàng trai 22 tuổi này là thiết kế đồ họa quảng cáo, trang web cho một công ty ở Cần Thơ. Chỉ khi nào có đông khách, mấy người bạn mới gọi cậu lên để hỗ trợ.
Đoàn gần 20 khách, có 4 hướng dẫn thì chỉ có 1 người của công ty tổ chức, 3 người còn lại giống như Vinh - làm thời vụ. Vinh kể, thực ra ban đầu cậu như một số người bạn khác cũng thuần túy là đi chơi, đi một vài lần thì trong nhóm có người lập công ty rồi rủ tham gia. Công việc này thu nhập khá nhưng lại thiếu ổn định, có khi một tháng đi 2-3 chuyến, nhưng cũng có khi cả vài tháng chẳng đi chuyến nào.
“Nếu anh lên đây dịp lễ như 30-4 hay 2-9, đồi núi vùng Tà Năng - Phan Dũng này chật ních người, lên đến 400-500 người trên quả đồi nhỏ, không có những người như tụi em, lấy ai mà làm”, Vinh nói. 
Trước câu hỏi về yêu cầu để có thể làm được công việc này, Vinh hầu như không suy nghĩ mà đáp luôn - sức khỏe. Có người có sức khỏe nhưng lại không biết phân phối thể lực, lúc đầu thì hăm hở lắm, đi đầu cả đoàn nhưng sau cũng mất sức, đi không nổi. Lúc đó, công việc chủ yếu của một hướng dẫn viên phượt là vác giùm ba lô. Vinh kể, hai cái như thế này là ít, có đoàn mỗi người tụi em phải vác 3-4 hay thậm chí là 5 ba lô của khách, không vác không được, khách tự đi còn không nổi huống chi mang vác. 
Thanh Hoa, cái tên như con gái nhưng lại là của chàng trai 25 tuổi đầy mạnh mẽ và đen như cục than. Hoa chuyên tổ chức các chuyến “du lịch xe máy”. Hoa cũng thừa nhận, sức khỏe là điều quan trọng nhất nếu muốn làm nghề này. Vừa trở về từ một chuyến đi “sừng Đông” (vùng Đông Bắc, 1 trong 2 cung đường phượt xe máy nổi tiếng nhất nước). Mỗi ngày ngồi trên xe máy chạy 300-400km, mà không chỉ chạy một mạch, còn phải vòng đi vòng lại, khi thì tìm người lạc, tách đoàn, khi lại xử lý sự cố hư xe, tai nạn… Hoa cười bảo, hồi trước cũng trắng trẻo lắm, đi riết thành thế này. Cũng giống Vinh, ban đầu Hoa đi chơi, đưa ảnh lên mạng, bạn bè hỏi thăm cách đi, chỗ ăn nghỉ rồi nhờ dẫn đường, tổ chức giúp luôn. Dần dần, bạn của bạn cũng đến tìm, đang rảnh rỗi, lại mê đi, Hoa đứng ra tổ chức tour luôn hồi nào cũng không nhớ. 
Còn về kinh nghiệm, cả Vinh và Hoa đều thừa nhận, tất cả đến từ thực tế. Với những người thuộc dạng mới như Vinh thì công việc là hỗ trợ, còn với Hoa, do đã đi nhiều lần nên đã được “phong” làm hướng dẫn chính. Thực ra, Hoa là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có bằng cấp đàng hoàng nhưng như tự nhận “cái được học chả liên quan gì đến phượt, hai loại hình khác hẳn nhau và đến nay vẫn chẳng có trường nào dạy làm hướng dẫn viên phượt, mà chắc cũng chả ai dám dạy”. 
Kinh nghiệm học mãi không đủ
Sau sự cố một nữ phượt thủ tử nạn, các hướng dẫn trong đoàn có vẻ ngại ngần khi nhắc đến câu chuyện này, thậm chí đánh trống lảng qua chuyện khác. Mãi đến khi kết thúc hành trình Tà Năng - Phan Dũng, Vinh mới chia sẻ câu chuyện.
Theo cậu, người địa phương, nhất là các poster (người mang vác hành lý) vẫn dặn là mùa tháng 10 không nên đi hướng thác Yaly. Nghe thì nghe vậy, nhưng có mấy người hiểu nguy hiểm là thế nào đâu. Vinh cho biết, trước khi đi các bạn đều được dạy cách sơ cấp cứu, phân biệt rắn độc, nhận biết suối có lũ về hay không… Nhưng như Vinh thừa nhận, thực tế có giống vậy đâu. Bảo nước đục là sắp có lũ về, nhưng cả đoàn nhảy xuống thì suối nào chả đục… Một thời gian dài tuyến Tà Năng - Phan Dũng được đánh giá là an toàn nhất nên một số hướng dẫn viên mới chủ quan, mất cảnh giác. 
Hoa nhớ lại một câu chuyện và lấy đó để răn chính mình, đó là có lần dẫn một đoàn xe máy trên đường đi Hà Giang, ở một con dốc, đoàn xe của Hoa gặp một đoàn xe ben đang ì ạch leo dốc. Đi sau thì sợ xe tuột nguy hiểm nên Hoa chủ động cho vượt, đường bên cũng khá thoáng nên anh yên tâm. Thế nhưng, chiếc xe vượt đầu tiên đang chạy song song với chiếc xe tải thì bất ngờ trượt qua một bên, chỉ trong giây phút anh lạnh toát cả người vì nghĩ hai người trên xe chui vào gầm xe tải. May sao do chiếc xe tải đang leo dốc nên chạy rất chậm, người ngồi sau nhảy ra được, còn người cầm lái thì chống vào thành xe tải gượng lại.
Sau đó, Hoa mới hiểu chuyện gì xảy ra, khi leo dốc các xe tải chở nặng đều dẫn ống nước cho chảy vào bánh xe để giải nhiệt, nước chảy xuống đường, nếu trên đường có sẵn bùn đất thì nó trở thành cái bẫy cho các xe máy đi sau. 
Trong giới phượt bằng xe máy, khi một bạn trẻ từ vai trò người đi phượt thành người tổ chức, có một bài học được nhắc đến đầu tiên chính là khả năng dắt đoàn. Có bạn tổ chức đoàn nhưng vẫn nghĩ mình là khách, chạy ào ào phía trước, trong khi đoàn không phải ai cũng có tay lái tốt và do cố gắng bám theo để khỏi lạc, tai nạn khó tránh khỏi. Đây là lỗi nhiều bạn trẻ khi tổ chức đoàn mắc phải, bởi không phân biệt được vai trò và trách nhiệm của mình đã thay đổi.
Phượt là một hình thức du lịch gần như dành riêng cho người trẻ, bởi có sự tự do, trải nghiệm, có chút gì đó nổi loạn… Đối với nhiều người trẻ, phượt còn là một cơ hội kiếm sống. Thế nhưng, cũng như mọi loại hình kinh doanh khác, khi đã trở thành người tổ chức, vai trò đã khác biệt, bên cạnh sự tự do trải nghiệm còn là trách nhiệm để những cuộc vui trọn vẹn hơn.

Tin cùng chuyên mục