Hướng đến công viên mở

TPHCM có khoảng hơn 20 công viên mở, tuy nhiên, việc khai thác công viên sao cho hiệu quả, trở thành công trình công phục vụ người dân lại đang là vấn đề mà nhiều đơn vị quan tâm. 
Nhu cầu về những công viên mở, có nhiều hoạt động giải trí gần gũi với đời sống hàng ngày luôn là điều mà người dân mong muốn. Nắm được nhu cầu đó, nhiều công viên đã thay đổi hình thức hoạt động, rộng cửa đón người dân với nhiều loại hình giải trí.
Công viên không chỉ là mảng xanh
TPHCM có khoảng hơn 20 công viên mở, tuy nhiên, việc khai thác công viên sao cho hiệu quả, trở thành công trình công phục vụ người dân lại đang là vấn đề mà nhiều đơn vị quan tâm. Trước đây, công viên chủ yếu chỉ dừng lại ở việc chăm chút mảng xanh; mấy năm nay, TP đã quan tâm đến việc lắp đặt các thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tập thể thao cho người dân.
Công viên 23-9 (quận 1) là công viên đầu tiên có khu vui chơi dành cho trẻ em, gồm 11 trò chơi như đu quay, bập bênh, tàu lửa, leo núi, cầu tuột, do TP đầu tư vào cuối năm 2011, với diện tích 1.500m2.
Hướng đến công viên mở ảnh 1 Tập thể dục tại Công viên 23-9, quận 1, TPHCM
Kể từ khi khu này đi vào hoạt động, mỗi ngày đều đón hàng trăm trẻ em tới vui chơi, vào cuối tuần hoặc dịp lễ thì số lượng tăng lên nhiều. Nhận thấy hiệu quả trên, Công viên Tao Đàn (quận 1) cũng huy động xã hội hóa để xây dựng 2 khu vui chơi dành cho trẻ em có quy mô khá lớn, gồm các trò chơi vận động quen thuộc và khu vui chơi được thiết kế trên cát.
Kế đó là Công viên Gia Định, với nhiều mô hình vui chơi của trẻ em hiện đại được xây dựng trên diện tích 8.000m2, thu hút đông đảo trẻ em tới vui chơi giải trí. Đặc biệt, hiện nay hầu hết các công viên trong TP đều được lắp đặt máy tập thể dục để phục vụ người dân rèn luyện sức khỏe, hoàn toàn miễn phí.
Bà Trần Thị Phượng (ngụ đường Hồng Hà, quận Tân Bình) cho biết: “Ngày trước, khi Công viên Gia Định chưa có khu vui chơi cho trẻ nhỏ, mỗi tuần tôi đều phải đưa các cháu vào các khu vui chơi tư nhân với giá đắt đỏ. Nay thì thoải mái rồi, bà cháu dắt nhau ra công viên, cháu chơi trong khu vui chơi, bà ra máy tập thể dục, tất cả đều miễn phí. Công viên công cộng là phải như vậy, lứa tuổi nào vào cũng được phục vụ”.
Vài năm trở lại đây, ban quản lý các công viên cũng tạo điều kiện để nhiều loại hình giải trí lành mạnh tự phát của người dân có không gian để duy trì và phát triển, như các nhóm tập dưỡng sinh, khiêu vũ vào mỗi sáng và tối, phục vụ nhiều lứa tuổi, từ thanh niên, trung niên đến người cao tuổi. Đó còn là nơi để học sinh, sinh viên sinh hoạt ngoại khóa, học kỹ năng giao tiếp và học ngoại ngữ với khách du lịch người nước ngoài. Tất cả tạo thành một hệ sinh thái giải trí, rèn luyện sức khỏe hữu ích, phù hợp và góp phần làm đa dạng hiệu quả sử dụng công viên.
Từng là công viên hoạt động èo uột, kém hiệu quả, khoảng 3 năm trở lại đây, Công viên Phú Lâm (quận 6) nổi lên với mô hình công viên sách, mỗi ngày đón từ 120 - 150 lượt người tới đọc sách. Đây cũng là mô hình giúp đưa văn hóa đọc vào gần dân hơn mà các công viên khác nên khai thác, phát triển.
Nỗ lực để mọi người dân hài lòng
Theo đại diện Ban quản lý Công viên 23-9, trước đây công viên nổi tiếng bởi các tệ nạn xã hội, cướp giật nên mọi người rất ngại ghé đến, nhưng hiện nay diện mạo đã thay đổi hẳn. Lượng người đến công viên khá đông với gần 2.000 lượt người mỗi ngày, trong đó một phần là du khách người nước ngoài. Người dân tới chủ yếu để dạo mát, tập thể dục, sinh hoạt nhóm, học tiếng Anh, trẻ em cũng có khu vui chơi hiện đại và an toàn. Ban quản lý công viên cũng chú trọng ghi nhận phản hồi từ người dân thì cho thấy người dân khá hài lòng với các mô hình, hoạt động vui chơi giải trí và an ninh tại đây.
Hướng đến công viên mở ảnh 2 Người dân tới Công viên Tao Đàn tập thể dục
Về phía Công viên Tao Đàn, bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Phó Giám đốc Khu Quản lý đô thị số 1 (gọi tắt là Khu 1, đơn vị trực tiếp quản lý Công viên Tao Đàn), chia sẻ: “Theo tôi, công viên mở với nhiều loại hình vui chơi giải trí có tác động rất lớn đến người dân. Từ ý nghĩa đó, Khu 1 luôn nỗ lực huy động xã hội hóa cùng với nguồn ngân sách để trang bị hệ thống khu vui chơi cho trẻ em và máy tập thể dục tại các công viên do Khu 1 quản lý. Để đảm bảo an toàn, các thiết bị đều được vệ sinh 1 tháng/1 lần, thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế khi có hư hỏng và bổ sung hoặc tăng cường thêm thiết bị để phục vụ đông đảo người dân”.  
Cũng theo bà Huyền, người dân tới Công viên Tao Đàn tăng gấp 2 - 3 lần so với trước khi được trang bị hệ thống khu vui chơi trẻ em và máy tập thể dục, nhất là vào các ngày cuối tuần, lượng người tới công viên hóng mát, vui chơi, luyện tập thể thao và sinh hoạt nhóm lên tới hàng ngàn người. Khu 1 và Ban Quản lý công viên luôn tạo điều kiện tốt nhất, hoàn toàn miễn phí để các tổ chức đoàn thể của các trường, quận huyện trên địa bàn TP thường xuyên đến sinh hoạt, tập huấn…
Tuy nhiên, với những nhóm tập trung đông trên 30 người, sinh hoạt trong ngày, cần xin phép Khu 1, còn sinh hoạt 2 ngày trở lên phải do Sở Giao thông Vận tải cho phép.

Tin cùng chuyên mục