Hương quê nếp nhà

Khi mọi hoạt động bên ngoài phải dừng lại, để công tác phòng chống dịch Covid-19 được triển khai hiệu quả và mang lại sự bình yên cho cộng đồng, dù muốn dù không, dù khéo léo hay vụng về, người ta cũng học cách vào bếp để phục vụ cho cái bụng của chính mình và gia đình.

Những kênh bán hàng online phát huy tối đa sự tiện lợi trong mùa này, rau củ quả, thịt thà cá mắm đều có đủ…, nhưng phải chọn thực phẩm theo vùng miền thì hương vị mới bắt cơm. Lúc này không thể đòi hỏi hơn, nhưng trong phạm vi cho phép, những kênh chuyên đặc sản vùng miền hoạt động tối đa công suất.

Rau củ quả muốn tươi ngon phải kể từ xứ lạnh như Lâm Đồng; còn cá mắm hay cá khô thì ai qua được miền Tây sông nước, cái vị mặn mòi đầu lưỡi, hậu ngọt nhẹ ở họng vì người miệt vườn vốn ưa ăn ngọt, nên nêm nếm, tẩm ướp món gì cũng có chút đường mới ưng bụng.

Tây Nam bộ mùa này ngóng nước nổi, những con nước ngập tràn cánh đồng, bờ đê nhưng hiền hòa, không cuộn mình dữ dội như lũ ở miền Trung. Mùa nước nổi chở phù sa cho ruộng vườn, đất đai màu mỡ và mang theo bao sản vật của đất trời, có bông điên điển, có con cá linh mà đem kho lạt, nấu canh chua điên điển hay làm mắm đều trở thành đặc sản.

Những ngày giãn cách xã hội kéo dài, khi mọi phương tiện vận chuyển liên tỉnh khó khăn, chuyện về quê thăm nhà của những ai xa xứ, dù cách nhau chỉ vài ba giờ xe khách, cũng trở nên xa vời vợi. Những chuyến hàng từ quê lên phố cũng chậm và ít hơn, nhưng lần nào cũng ăm ắp thực phẩm. Gom góp nghĩa tình của đất Cửu Long gửi lên hỗ trợ bà con thành phố chống dịch, hay ông tía bà má nào đó gần như gói trọn cả chợ quê và tình quê gửi lên cho đứa con đi học, đi làm trên thành phố không về nhà được.

Lúc này, no bụng là đủ, đâu ai đòi hỏi đặc sản hay cao lương mỹ vị gì… Nhưng đâu đó, trong lòng nhiều người, nhất là những ai xa quê, hẳn là nhớ nồi mắm kho, chén mắm chưng đậm đà đúng bài bữa cơm mùa nước nổi. Quê hương thì mênh mông định nghĩa, khái niệm…, nhưng gần gũi và dung dị nhất chính là những bữa cơm cây nhà lá vườn.

Hương quê nếp nhà ảnh 1 Bữa cơm nhà có sự vén khéo từ bàn tay mẹ. ẢNH: KHAN TRỊNH

Những bữa cơm mà người ta dù xa xứ bao lâu, dù thưởng thức qua bao nhiêu nhà hàng sang trọng, cũng chẳng thể quên được cái hương vị quê nhà mộc mạc. Hồn quê, nếp nhà đôi khi là sự vén khéo của bà, của mẹ, của chị… trong những chái bếp hun hút khói lam chiều, để bữa cơm nhà nóng hổi đặc sản miệt vườn.

Câu chuyện ăn uống đâu chỉ có no bụng, hay đã thèm vị ngon đầu lưỡi… Ẩn chứa trong đó là bao nhiêu nét văn hóa đặc trưng vùng miền, sự chu toàn, khéo léo từ khâu sơ chế đến chế biến mà bao bà mẹ dạy lại cho con gái. Để những ngày giãn cách không buồn tẻ, các hội nhóm chia sẻ ẩm thực miệt vườn nhộn nhịp hẳn, người chia sẻ hình nồi chè trôi nước, người kể về món mắm cá linh, người đưa hình bữa cơm với khô cá lóc, rổ rau tập tàng… Những món ăn không cần công thức cầu kỳ, nhưng vẫn cứ đậm đà cả hương lẫn vị, rồi trở thành đặc sản dễ thèm và nỗi nhớ trong những ngày xa quê, giãn cách.

Ẩm thực không hẳn phải ăn, phải nếm mới tỏ tường cảm nhận, mà đôi khi chỉ cần “ăn” bằng một cái nhìn, cũng đủ để người ta vơi nỗi nhớ nhà. Câu chuyện quê nhà từ xa, qua khung hình, video ghi lại cơn mưa chiều, làn khói tỏa sau bếp, cây trái trong vườn, hay mùa vàng trên những cánh đồng... như một liệu pháp để người ta đi qua mùa giãn cách.

Và khi không có đủ nguyên liệu để nấu nồi lẩu mắm hay tộ mắm kho, thì những hình ảnh, câu chuyện và vài ba cái bình luận chia sẻ nhau cách làm, cách nấu, hay hỏi bâng quơ: “Quê bà miệt nào, hết dịch về quê tui mời lẩu mắm nha”… chợt khiến người ta thấy quê nhà vẫn len lỏi đâu đó giữa tim mình và giữa thị thành.

Tin cùng chuyên mục