Dự án đầu tư xây dựng kè cấp bách tại xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) có tổng chiều dài 2.200m và các hạng mục khác như: bến thuyền lên xuống hàng hóa, khu tái định cư với quy mô 160 nền… Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 220 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2020. Đầu tháng 6-2020, trở lại công trình kè cấp bách tại xã Tân Thuận, chúng tôi thấy công trình vẫn dang dở, nhất là đoạn bờ Bắc kênh Nông Trường hầu như “đóng băng”.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Trần Thị Cương (nhà ở ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận) cho biết, nhiều hộ dân chưa chịu di dời, lý do là ở trên đất Nhà nước quản lý nên không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ thấp, nếu di dời lên khu tái định cư thì họ không đủ cất nhà. Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình xây dựng kè cấp bách tại xã Tân Thuận được triển khai từ tháng 4-2016, đoạn kè phía bờ Bắc kênh Nông Trường dài 220m do Công ty CP Xây dựng công trình Hồng Lâm thi công. Đến tháng 9-2016, trong quá trình đóng cọc ly tâm dự ứng lực thì bị sạt lở, chuyển vị trí ra ngoài kênh Nông Trường từ 20-180cm, chiều dài 37m, vì vậy phải ngừng thi công chờ xác định nguyên nhân.
Sau sự cố xảy ra, UBND tỉnh Cà Mau thống nhất cho điều chỉnh thiết kế. Ban Quản lý dự án (QLDA) công trình NN-PTNT đã tổ chức đấu thầu xây lắp đoạn kè này và ký hợp đồng với nhà thầu thi công trong tháng 12-2019. Tuy nhiên, do chưa có mặt bằng thi công nên nhà thầu đang triển khai thực hiện đúc các cấu kiện bê tông đúc sẵn tại... xưởng công ty.
Tương tự, đoạn kè bờ Nam kênh Nông Trường (đoạn 290m), công trình này do nhà thầu Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Kim Sơn thi công năm 2018. Do bị sự cố sạt lở đoạn tiếp giáp với sông Gành Hào nên UBND tỉnh Cà Mau cho di dời đoạn sạt lở này sâu vào bên trong. Hiện nay, nhà thầu chưa thi công được vì vướng mặt bằng một hộ dân chưa chịu di dời. Còn đoạn từ Kênh Cùng đến ngã ba kênh Nông Trường với sông Gành Hào, dài 475m dù đã ký hợp đồng thi công với nhà thầu từ tháng 1-2020 những đến nay vẫn chưa có mặt bằng thi công. Vì vậy, dù công kè cấp bách tại xã Tân Thuận xây dựng theo diện cấp bách nhưng phải “đóng băng” vì chờ mặt bằng.
Năm 2018, trước tình hình sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các tỉnh ĐBSCL (trong đó có tỉnh Cà Mau) để thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển (Quyết định 795/QĐ-TTg, ngày 29-6-2018).
Từ nguồn vốn hỗ trợ trên, UBND tỉnh Cà Mau bố trí vốn thực hiện Dự án xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển Đông khu vực cửa biển Rạch Gốc. Theo đó, phía bờ Đông cửa biển Rạch Gốc xây đoạn kè dài 2.100m, bằng công nghệ kè bê tông ly tâm. Hiện đoạn kè này đã hoàn thành như kế hoạch và đang phát huy tốt hiệu quả trong chống sạt lở, gây bồi tạo bãi. Trong khi đó, đoạn kè phía bờ Tây với chiều dài 1.400m (gói thầu 39, tổng dự toán trên 42 tỷ đồng) được đầu tư theo công nghệ kè bê tông cốt phi kim phá sóng do Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam (gọi tắt Busadco) thi công. Đây là công nghệ kè chống sạt lở mới được áp dụng trên địa bàn Cà Mau. Công ty rất tự tin bỏ vốn ra làm trước, khi hoàn thành và nghiệm thu đạt hiệu quả mới nhận thanh toán tiền.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do ảnh hưởng cơn bão số 3 (tháng 8-2019) đã làm hư hỏng nhiều đoạn trên tuyến kè, với chiều dài khoảng 800m (hơn phân nửa chiều dài tuyến kè). Sau sự cố xảy ra, chủ đầu tư nhiều lần làm việc với đơn vị thi công và tìm giải pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Ông Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Busadco, cho biết đến nay công ty đã khắc phục được 900m kè, đoạn còn lại 500m thì “bất khả kháng”. Nguyên nhân do đoạn này rơi vào khu vực bờ biển lở, xoáy quá sâu. Theo hợp đồng thì thời gian thực hiện từ tháng 8-2018 đến tháng 1-2019 hoàn thành. Tuy nhiên, Busadco đã không thể hoàn thành công trình theo cam kết, dù đã được chủ đầu tư gia hạn tiếp đến cuối năm 2019.