Đồng thời kèm theo một cam kết tránh thiết lập các điểm kiểm soát biên giới hoặc cơ sở vật chất cứng tại biên giới 2 bên trên đảo này.
Lập vùng quản lý, hệ thống kê khai
Trong kế hoạch gửi tới EU nhằm giải quyết vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland, London đề nghị thiết lập vùng quản lý đồng bộ với cả Bắc Ireland và EU để tránh việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan với hàng hóa trao đổi giữa 2 bên thời hậu Anh rời khỏi EU (Brexit).
Với việc áp dụng vùng quản lý chung, vùng Bắc Ireland sẽ tạm thời tuân theo các quy định và tiêu chuẩn của EU. Theo đó, hàng hóa nông nghiệp từ các vùng còn lại của Anh khi được đưa tới vùng Bắc Ireland cũng sẽ trải qua các khâu kiểm tra như quy định trong luật của EU.
Như vậy, vùng Bắc Ireland sẽ vẫn là một phần trong lãnh thổ hải quan của Vương quốc Liên hiệp Anh, nhưng để có thể tránh được việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan tại biên giới, London đề xuất thiết lập hệ thống kê khai (declaration system) để các tiểu thương thực hiện việc kê khai hàng hóa với một quy trình đơn giản, kèm với đó là cơ chế các doanh nghiệp đáng tin cậy. Hệ thống này cho phép việc kiểm tra thực chất với các hàng hóa sẽ được thực hiện ngay tại cơ sở của các nhà giao dịch hoặc một địa điểm cụ thể không phải ở biên giới của CH Ireland với vùng Bắc Ireland.
Trước khi thời kỳ chuyển tiếp sau Brexit kết thúc vào tháng 12-2020, cơ quan lập pháp và chính quyền Bắc Ireland sẽ được yêu cầu thông qua dàn xếp kể trên và cứ 4 năm sau đó lại được xem xét lại một lần.
Anh khẳng định các đề xuất này sẽ đảm bảo tính thống nhất của thị trường chung châu Âu và vẫn bảo toàn được Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành, vốn mang lại sự bình yên cho đảo Ireland sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Cần xem xét thêm
Trong lá thư gửi kèm tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định thỏa thuận của ông đã loại bỏ điều khoản “chốt chặn” và rằng cần tìm cách tiếp cận mới thay thế.
Điều khoản này được đưa vào thỏa thuận Brexit mà 2 bên đã ký kết hồi cuối năm 2018 dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May nhằm tránh thiết lập đường biên giới hiện hữu giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland. Tuy nhiên, điều khoản này gây nhiều tranh cãi và là nguyên nhân chính khiến thỏa thuận kể trên bị bác bỏ 3 lần tại Hạ viện Anh.
Ông Juncker đã đánh giá kế hoạch Brexit mới có một số điểm tích cực, nhưng vẫn còn những vấn đề cần xem xét trong những ngày tới. Theo đó, ông bày tỏ lo ngại về cơ chế hải quan mà phía Anh vừa đề xuất để tránh việc kiểm tra biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland.
Đề xuất mới của Anh bao gồm cách thức loại bỏ điều khoản “chốt chặn”, nhưng EC - vốn luôn khẳng định rằng điều khoản “chốt chặn” là cần thiết để bảo vệ cùng lúc hòa bình ở Bắc Ireland và tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất EU - đã nhấn mạnh 2 bên cần làm việc thêm trong những ngày tới liên quan đến điều khoản “chốt chặn”.
Một mối quan tâm khác cần được giải quyết là các quy tắc về hải quan. Kế hoạch của Thủ tướng Anh cho phép một hội đồng mới của Bắc Ireland quyết định có nên gia hạn thỏa thuận “4 năm/lần” hay không, qua đó đặt ra giới hạn thời gian cho kế hoạch - điều mà EU từng từ chối trước đó.
gười phát ngôn của ông Johnson cho biết phía London đã đưa ra những đề xuất mà phía này thực sự muốn thúc đẩy và điều quan trọng là EU sẵn sàng tham gia đàm phán về vùng quản lý chung trong vòng 10 ngày. Nếu EU không tỏ thiện chí muốn đàm phán thì mọi việc sẽ diễn ra như lời Thủ tướng Johnson đã nói, rằng Anh sẽ rời EU mà không có thỏa thuận. |