Hội nghị lần thứ 21 của Hội tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA) sẽ diễn ra tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế) từ ngày 23 đến ngày 28-9-2018. Đó là thông tin do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Hội Khoa học Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương và Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết tại buổi họp báo sáng 22-9 tại TP Huế.
Hội nghị IPPA là hội nghị lớn nhất trên thế giới dành riêng cho khảo cổ học ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Hội nghị lần thứ 21 diễn ra tại Huế sẽ thu hút hơn 700 nhà nghiên cứu và sinh viên sau đại học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam tham dự. Đây là sự kiện khoa học lớn nhất và quan trọng nhất của giới khảo cổ học trên toàn thế giới, là cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin và kết quả nghiên cứu của mình, cũng như thiết lập các mối quan hệ hợp tác mới.
Hội nghị với hàng trăm chủ đề báo cáo khác nhau, bao gồm quá khứ khảo cổ học từ các địa điểm xưa nhất của con người sống trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương đến các mốc thời gian gần đây hơn. Các tham luận đề cập đến các phương pháp lý thuyết mới và vấn đề kỹ thuật cao trong nghiên cứu thực địa và phân tích tại phòng thí nghiệm. Các tham luận khác sẽ thảo luận các vấn đề quan trọng trong bảo vệ di sản văn hóa, bao gồm những cách tiếp cận sáng tạo chiến lược giáo dục và khuyến khích cộng đồng trong bảo tồn di sản.
Đại hội lần thứ 21 của IPPA chính thức diễn ra từ ngày 23 đến ngày 28-9-2018 tại TP Huế. Trong đó, phiên khai mạc toàn thể Đại hội diễn ra vào lúc 10 giờ ngày 23-9. Ba tham luận toàn thể đầu tiên trong ngày khai mạc liên quan đến sự lan tỏa của những người hiện đại đầu tiên trên khắp Đông và Đông Nam Á di dân vào Úc và các hòn đảo lân cận. Các tham luận còn lại bàn đến cách các nhà khảo cổ nên tiếp cận quá khứ lịch sử gần đây và nghiên cứu về khảo cổ học ở Đông Nam Á trong thế kỷ 21. IPPA sẽ tổ chức cuộc họp chính thức vào tối ngày 25-9 để bàn về các vấn đề liên quan đến Hiệp hội và các thành viên của Hiệp hội. |
“Đáng chú ý là trong số các tham luận thông báo của các địa phương gửi về thì tham luận thông báo về kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam. Kết quả khai quật khảo cổ học này có tầm vóc quốc tế, chưa từng ghi nhận trong khu vực Đông Nam Á đã gây chấn động, làm thay đổi cách nhìn của nhiều nhà khoa học trên thế giới”, TS. Nguyễn Giang Hải chia sẻ. |
Ngoài ra, trong thời gian diễn ra Đại hội, các đại biểu sẽ có cơ hội tham quan di sản văn hóa thế giới Huế với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.