Khám phá kỹ thuật in sáp ong khoái độc đáo của người dân Hoài Khao - Cao Bằng
SGGPO
Nằm trọn trong thung lũng xanh mướt mải, ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, xóm Hoài Khao nằm thuộc xã Quang Thành, cách trị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình khoảng 20km và cách TP Cao Bằng khoảng 60km không chỉ nổi bật bởi khung cảnh bình yên quanh năm mây trắng mà bà con dân tộc Dao Tiền nơi đây còn lưu giữ kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong khoái vô cùng độc đáo.
Tập tục khai thác mật ở hang ong khoái và kỹ thuật in sáp ong chính là hồn cốt trong đời sống, tín ngưỡng của cộng đồng người Dao Tiền ở Hoài Khao. Trải qua bao thời gian, bà con ở nơi này vẫn giữ được tập tục cùng nhau đi thu hoạch mật ông khoái. Và điều đặc biệt hơn cả là họ luôn đợi đến mùa ong bay đi hết rồi đến lấy tổ về nấu lấy sáp.
Mọi người phụ nữ Dao Tiền đều được trao truyền kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong Khoái. Ảnh: THU HÀ
Bắt đầu từ năm 12 tuổi, những bé gái ở Hoài Khao đã bắt đầu được dạy cách in hoa văn trên vải bằng sáp ong để tự chuẩn bị trang phục cho mình. Mỗi người phụ nữ thường có từ 10 đến 20 bộ váy để mặc trong các dịp lễ hội, lễ cấp sắc, ngày cưới xin… Bởi vậy mọi phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao đều thành thạo kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong.
Bàn tay của người thợ làm vải nhuộm sáp ong rất dễ nhận ra bởi màu tràm như lặn vào từng kẽ nứt chằng chịt trên từng ngón. Ảnh: THU HÀ
Bà Bàn Thị Liên người xóm Hoài Khao chia sẻ, xưa kia, phụ nữ nơi này còn tự mình dệt vải, nhưng việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, nguyên liệu cũng không còn sẵn như xưa nên chủ yếu vẫn tập trung trao truyền kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong. Bà Liên bảo, sáp ong có nhiều loại, nhưng để in hoa văn trên trang phục váy áo của dân tộc Dao Tiền thì sáp ong Khoái là loại tốt nhất.
Sáp ong được đổ vào một đĩa sắt tráng men sâu, đặt trên than hoa để giữ độ nóng vừa đủ để sáp in thật chặt trên vải và rõ nét các hoa văn.
Mỗi loại khuôn sẽ tạo ra những hoa văn khác nhau. Ảnh: THU HÀ
Các hoa văn tròn được tạo ra từ các khuôn làm từ ống tre, ống giang đường kính to nhỏ khác nhau (từ 1,5cm- 2cm). Loại khuôn dùng in đoạn thẳng và góc cũng được vót bằng những cật nứa già, vót và chuốt thật nhẵn mịn, phơi khô.
Thời gian để làm một khuôn in không lâu. Nếu người quen tay thì có thể chuốt trong vòng 20 phút nhưng thường mỗi phụ nữ đều có sẵn cả chục khuôn in trong nhà để nếu khuôn nào có xước, hỏng thì có cái dùng ngay - bà Đặng Thị Thanh chia sẻ.
Công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, khéo léo và sáng tạo. Ảnh: THU HÀ
Tùy theo mẫu họa tiết định sẵn, mà chị em ở Hoài Khao dùng các dụng cụ khác nhau chấm vào sáp ong rồi in lên mặt vải. Chờ sáp ong khô thì đem tấm vải đi nhuộm chàm nhiều lần rồi phơi. Phụ nữ ở Hoài Khao có nhiều loại khuôn khác nhau để tạo ra các mẫu họa tiết, hoa văn.
Cùng là những dụng cụ được chế tác từ ống giang, ống nứa nhưng mỗi người lại có cách sáng tạo, kết hợp khác nhau để tạo ra những hoa văn khác biệt. Những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Mọi người khi đến với Hoài Khao đều có mong muốn được xem và trải nghiệm kỹ thuật in độc đáo này. Ảnh: THU HÀ
Kỹ thuật chấm sáp ong trên vải không quá phức tạp, nhưng để có được độ sắc nét, không nhòe, đều mịn lại phụ thuộc rất nhiều vào sự kiên nhẫn cũng như hoa tay của mỗi người. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà chỉ có đàn bà Dao Tiền mới in vải sáp ong, còn đàn ông giúp họ thu hoạch sáp ong.
Phụ nữ Dao Tiền ai cũng có bộ khuôn in vải của riêng mình. Ảnh: THU HÀ
Mất đến 6 tháng để có thể hoàn thành một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao Tiền theo lối thủ công. Ảnh: THU HÀ
Khi sáp ong khô thì đem nhuộm chàm nhiều lần (từ 15- 20 lần), cứ ngày đem phơi nắng, đêm ngâm chàm. Tấm vải khi ngâm phải luôn ngập nước chàm, dùng chân đạp kỹ cho vải thấm đều màu chàm để không bị loang lổ.
Sau khi nhuộm được màu chàm như ý, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi, lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm.