Kho vũ khí hạt nhân toàn cầu chuyển biến đáng ngại

Ngày 13-6, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố bản nghiên cứu cho biết, kho vũ khí hạt nhân toàn cầu dự kiến sẽ sớm tăng trở lại lần đầu tiên sau thời chiến tranh lạnh. Nghiên cứu của SIPRI xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang và có nhiều lo ngại về nguy cơ xung đột hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ

Xu hướng gia tăng

Theo SIPRI, số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu giảm nhẹ trong thời gian từ tháng 1-2021 đến tháng 1-2022, từ 13.080 đầu đạn xuống còn 12.705 đầu đạn, nhưng sẽ có xu hướng tăng lên nếu các cường quốc hạt nhân không có hành động giải trừ vũ khí. SIPRI cho rằng, số đầu đạn suy giảm so với năm ngoái là do Mỹ, Nga đang tháo bỏ những vũ khí đã bị loại biên, trong khi lượng đầu đạn trong biên chế các nước vẫn “tương đối ổn định”.

Căng thẳng giữa Nga - Ukraine và sự ủng hộ vũ khí của phương Tây dành cho Kiev đã làm gia tăng căng thẳng giữa 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Ông Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI, nhận định: “Tất cả quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân đều đang củng cố lập luận về hạt nhân và vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược quân sự của họ”. Về lý thuyết, vũ khí hạt nhân là bí mật quốc gia, nên thông tin luôn được giữ kín. Nhưng nhờ các rò rỉ hạn chế, vẫn có thể hình dung quy mô của kho vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Mặc dù đã giảm đáng kể kho dự trữ kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhưng Nga và Mỹ vẫn sở hữu hơn 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới. Tính đến đầu năm 2022, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với tổng số 5.977 đầu đạn. Trong đó, hơn 1.600 đầu đạn có thể sẵn sàng được sử dụng.

Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 đầu đạn sẵn sàng chiến đấu. Kho vũ khí của hai nước bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, tên lửa phóng từ máy bay chiến đấu.

Nhiều tên lửa trong số này được trang bị đầu đạn hạt nhân có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau một cách độc lập. Hai bên hiện chỉ còn ràng buộc pháp lý bởi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới START-3. Hiệp ước này được gia hạn thêm 5 năm vào đầu năm ngoái.

Trung Quốc xếp thứ ba với 350 đầu đạn, tiếp đó là Pháp, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên. SIPRI nhận định, Bình Nhưỡng đã sở hữu 20 đầu đạn và có đủ nguyên liệu để chế tạo 50 vũ khí hạt nhân.

Tăng cường kho vũ khí

Giới quan sát đánh giá, nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân tuy có nhưng vẫn ở mức thấp. Đầu năm 2022, 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc - cũng là 5 quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) đã đưa ra tuyên bố tiếp tục tuân thủ các thỏa thuận và cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ vũ khí hạt nhân, kiểm soát vũ khí song phương và đa phương.

Các nước này khẳng định, cuộc chiến hạt nhân sẽ không được phép xảy ra. Tuy nhiên, theo SIPRI, cả 5 nước trên tiếp tục mở rộng hoặc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình và dường như đang tăng cường khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong các chiến lược hạt nhân. Điều đó sẽ khiến cho cuộc chạy đua hạt nhân có nguy cơ tiếp diễn căng thẳng trong thời gian tới.

Trung Quốc đang trong giai đoạn mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, nước này đang xây dựng hơn 300 hầm chứa tên lửa mới. Theo Lầu Năm góc, Bắc Kinh có thể sở hữu 700 đầu đạn vào năm 2027. Trong khi đó, Anh cho biết nước này sẽ nâng mức trần của kho dự trữ đầu đạn và sẽ không công khai số liệu về vũ khí hạt nhân đang hoạt động nữa.

Tình báo Mỹ dự đoán, Ấn Độ và Pakistan cũng sẽ tăng kho dự trữ. Trong khi đó, cuộc đàm phán nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn rơi vào bế tắc. Nước này tiếp tục giảm cam kết làm giàu uranium ở mức 60%, đồng thời tuyên bố có thể làm giàu đến 90%, mức có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tin cùng chuyên mục