
Số ý kiến nhận được lớn hơn nhiều so với con số trên, vì còn nhiều phương thức góp ý khác. Tuy nhiên, bà lưu ý, các ý kiến cần được tính đếm và tập hợp đúng cách. Cụ thể, không tính đếm ý kiến chỉ được phát biểu tại cuộc họp, hội nghị, hội thảo; không tính ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, bộ, ngành, địa phương. “Nếu các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động muốn góp ý bằng văn bản thì cơ quan, đơn vị hướng dẫn các cá nhân cán bộ, công chức, viên chức gửi văn bản góp ý về cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến”, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính nêu rõ.
Việc cộng dồn số liệu được thực hiện theo hướng từ dưới lên. Ví dụ như UBND cấp xã tổng hợp số liệu từ các thôn, tổ dân phố, HĐND xã, tổ chức đảng ở xã…; UBND cấp huyện cộng số liệu của các xã trong huyện và số liệu của các tổ chức, đơn vị thuộc UBND cấp huyện; sau đó UBND cấp tỉnh cộng số liệu từ các huyện trong tỉnh và các tổ chức, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh.
UBND tỉnh không tổng hợp đối với các ý kiến từ tòa án nhân dân, viện kiểm sát, cơ quan ngành dọc trung ương tại địa phương, cũng như không tổng hợp ý kiến góp ý trên VNeID, vì đây là nhiệm vụ của Bộ Công an. Nhân dân chỉ thực hiện góp ý trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Các cổng thông tin điện tử của địa phương không thực hiện lấy ý kiến và UBND tỉnh cũng sẽ không tổng hợp đối với các ý kiến từ nguồn này.
Như vậy, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ tổng hợp ý kiến từ các tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý – bao gồm cả tổ chức đảng, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khác. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, MTTQ Việt Nam và Bộ Công an sẽ tổng hợp theo hướng dẫn riêng. Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp ý kiến trên cổng thông tin điện tử của mình.