Khởi tố vụ án đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nước nguồn của Nhà máy nước sông Đà

Chiều 17-10, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức họp báo thông tin về việc kiểm tra, xử lý việc đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn của Nhà máy nước sạch sông Đà thuộc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Quang cảnh buổi họp báo của UBND tỉnh Hòa Bình về vụ đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước
Quang cảnh buổi họp báo của UBND tỉnh Hòa Bình về vụ đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước

Buổi họp báo do ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình chủ trì.

Thông tin tại buổi họp báo cho biết, sau khi xảy ra vụ đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn của của Nhà máy nước sạch sông Đà ở huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, lực lượng chức năng Công an tỉnh Hòa Bình và Công an huyện Kỳ Sơn vẫn đang tập trung điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm gây ra vụ đổ dầu thải nói trên. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ Luật Hình sự. Cơ quan công an vận động người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc.

Báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) tỉnh Hòa Bình cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc trên, Sở TN-MT  tỉnh Hòa Bình và Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) cùng UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Phúc Tiến, PC05 Công an tỉnh Hòa Bình lập đoàn công tác kiểm tra hiện trường. Qua kiểm tra, sáng 9-10,  Viwasupco phát hiện có váng dầu tại suối Bằng, sau đó kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn có vết dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm. Từ đỉnh dốc là điểm có dầu đến điểm chảy xuống suối khoảng 150m. Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh. 

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Viwasupco đã thông báo tới công an xã Phúc Tiến, Công an huyện Kỳ Sơn ngay trong chiều 9-10. Sau đó, công ty đã rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom khoảng 100 lít dầu, nước dính dầu, 7 bao tải có dính dầu khoảng 60kg được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại của Nhà máy Nước sạch sông Đà, cùng với khoảng 3-4m³ cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt dứa, trên mặt phủ đất.

Tiếp đó ngày 14-10, lực lượng liên ngành gồm: Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường); Sở TN- MT tỉnh Hòa Bình cùng các ban ngành liên quan đã kiểm tra thực tế, vị trí đổ thải trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh vẫn còn mùi khét của dầu thải; có cát đổ trên đường; khu vực sườn dốc xuống suối Trầm còn cát đổ lẫn dầu thải chưa được thu gom khoảng 2-3m³. Nước suối Trầm cách vị trí đổ thải khoảng 100m và cách vị trí đổ thải về phía hạ lưu khoảng 0,6km đều không có váng dầu, không có mùi, hai bên bờ không thấy váng dầu bám vào cây cỏ. Tại suối Bằng (cách điểm đổ dầu khoảng 2,5km), điểm xả thải sau hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy nước sông Đà có màu đen.

Theo báo cáo của công ty, đơn vị này sử dụng than hoạt tính trong hệ thống xử lý và rải 1 tấn than hoạt tính tại suối tiếp nhận nước thải của nhà máy. Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc đã lấy 4 mẫu nước mặt (gồm mẫu nước ở bờ suối Bằng cách điểm xả thải của công ty khoảng 50m về phía hạ nguồn); mẫu nước tại hạ nguồn suối Trầm, mẫu nước tại vị trí kênh lấy nước đầu vào của công ty; mẫu nước mặt tại suối Bằng sau khi tiếp nhận nước thải sau xử lý; 1 mẫu nước thải tại cống xả nước thải của công ty trước khi xả thải ra suối Bằng để xét nghiệm.

Qua kiểm tra, Sở TN- MT tỉnh Hòa Bình cho rằng, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của Nhà máy Nước sạch sông Đà không đúng quy định nên yêu cầu công ty khẩn trương thu gom, xử lý cát nhiễm dầu đã chôn lấp trong khuôn viên nhà máy. Đồng thời, đề nghị tiếp tục giám sát chặt chẽ chất lượng nước thô đầu vào và nước đầu ra để có biện pháp xử lý phù hợp. Lực lượng chức năng cũng yêu cầu nhà máy không để hiện tượng nước thải đen sau xử lý chảy ra suối Bằng.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, hiện tại nguồn nước mặt sông Đà chưa có dấu hiệu ô nhiễm nên vẫn được dùng để cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt. Cụ thể là Nhà máy nước sạch sông Đà, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà và một số nhà máy đang xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc đổ trộm dầu thải tại tại xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn chỉ gây ảnh hưởng các dòng suối tự nhiên đổ về hồ Đầm Bài, chưa gây ô nhiễm nguồn nước trên sông Đà. Đây là sự cố do con người gây ra.

Tin cùng chuyên mục