Không nhất thiết chủ thuê bao phải đến cho nhà mạng chụp ảnh chân dung

Quy định thuê bao di động phải trực tiếp bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ đang gặp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận.
Luật sư Nguyễn Chiến
Luật sư Nguyễn Chiến

Theo Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, với thuê bao di động thì ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Nhà mạng sẽ phải thực hiện lấy những thông tin này đối với các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24-4-2017. Với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24-4-2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới. Vấn đề này, trong những ngày qua đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận.

Ngày 20-6, bên hành lang Quốc hội, PV SGGP đã trao đổi với Luật sư, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội.

*Phóng viên: Hầu hết ý kiến đều cho rằng, đây là việc làm không cần thiết.  Ý kiến của ông ra sao?

* Luật sư Nguyễn Chiến:  Để bảo đảm mục tiêu cao nhất là chống sim rác, chống việc lợi dụng không rõ người thuê bao để một số đối tượng thực hiện các hành vi gây mất an toàn trật tự trị an xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân cũng như lợi dụng để phạm tội thông qua sim rác.   Vì vậy, Nghị định 49 tôi thấy là cần thiết.

Tuy nhiên, khi Nghị định này đi vào cuộc sống, tổ chức vận dụng thế nào thì đòi hỏi nhà cung cấp mạng phải rất linh hoạt.  Mục đích của quy định này là để nắm rõ danh tính của người thuê bao. Vậy thì với đối tượng nào rõ rồi thì anh không cần thiết phải máy móc làm.  

Ngoài ra, phải tính toán vận dụng cho mọi trường hợp. Bởi nếu như trong trường hợp áp dụng với cá nhân thì dễ dàng thực hiện. Nhưng đối với một tổ chức, doanh nghiệp họ thuê bao cho nhân sự của họ thì thế nào? Lúc đó chụp ảnh cho một người đại diện hay phải từng nhân sự đó đến để nhà mạng chụp ảnh. Mặt khác, có thể nhân sự chỉ làm ở doanh nghiệp, đơn vị đó một thời gian nhất định rồi thuyên chuyển, số thuê bao đó được chuyển cho người khác thì người dùng mới có phải đến chụp ảnh lại hay không? Thông tin, địa chỉ, hình ảnh của người dùng trước được nhà mạng sẽ xử lý ra sao để bảo đảm quyền bảo mật thông tin cá nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Vì vậy, đòi hỏi nhà mạng trong hợp đồng dịch vụ phải có những quy định rất cụ thể, phải minh bạch, rõ ràng ở những điều khoản hợp đồng để cam kết với những cá nhân thuê bao.

*Nhiều ý kiến cho rằng không nên yêu cầu người thuê bao phải tới tận nơi để chụp ảnh, bởi khi đăng ký thông tin thuê bao di động, người sử dụng đã xuất trình chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (cả 2 đều có ảnh chân dung). Đây là 2 loại giấy tờ căn cứ pháp lý cao nhất để chứng minh nhân thân một công dân Việt Nam. Vì vậy việc bổ sung ảnh cá nhân trên thông tin của thuê bao di động là điều bất cập, gây khó dễ cho người dân và không cần thiết?

*Thuê bao là hợp đồng dân sự, hợp đồng giao dịch thương mại nên giữa các bên có thể thỏa thuận với nhau bằng các hình thức thông qua mạng, email, fax... Như vậy, ngay cả thông tin, hình ảnh của một cá nhân cũng có thể chuyển qua thư điện tử, nhưng chỉ cần bảo đảm đúng danh tính trong hợp đồng thì vẫn có thể giao dịch, chứ không phải đến trực tiếp phải đến đứng đó cho nhà mạng chụp ảnh như cách phải làm chứng minh thư. Thế giới họ làm vậy rồi, tức là họ sử dụng hình thức điện tử. Nó là một hợp đồng dân sự, một hợp đồng thương mại nên hoàn toàn có thể triển khai.

Dĩ nhiên, trong hợp đồng, nhà cung cấp mạng phải cam kết bảo đảm, bảo mật thông tin cá nhân cho người thuê bao cũng như hình ảnh của họ. Không được phép tiết lộ cũng như để xảy việc lợi dụng hình ảnh  đó để phục vụ mục đích khác. Đó là trách nhiệm của nhà mạng.

Luật sư, ĐBQH TPCHM Trương Trọng Nghĩa

Điều nhà mạng cần là hình ảnh, vậy thì hình ảnh thì không nhất thiết phải bắt người ta đến tận nơi để chụp. Có thể thay thế việc đi chụp hình bằng bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu (cả 2 đều có ảnh chân dung). Mình ra nước ngoài cũng vậy, nếu đi mua sim điện thoại thì  họ yêu cầu nộp bản sao hộ chiếu, thế là xong. Đó là chưa kể thuê bao thì vô cùng, họ dùng rồi lại bỏ, nên nói chung là không cần thiết phải yêu cầu người ta đến cho nhà mạng chụp ảnh.

Ngoài ra, trong vấn đề này có một nội dung chúng ta cũng quan tâm, đó là những gì thuộc thông tin cá nhân thì nhà mạng phải bảo mật, còn nếu để lộ thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Hiến pháp, pháp luật đều quy định về việc bảo mật thông tin cá nhân. Nếu tôi cung cấp thông tin cá nhân cho anh mà anh để lộ thì anh vi phạm. Người thiệt hại có quyền khiếu nại hay khởi kiện người để lộ thông tin của mình.

Tin cùng chuyên mục