Khu rừng chống biến đổi khí hậu cho 10 xã

Bắt đầu bằng quyết định đóng cửa rừng từ 40 năm về trước (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tạo sự tái sinh cho 2.086ha rừng dẻ. Những cuộc chiến bảo vệ giữ rừng dằng dặc từng năm, từ đó mà nước ngọt đủ đầy mùa hè, không còn cảnh lũ quét mùa mưa. Thành quả là nay kiếm tiền tỷ từ rừng dẻ và tạo cho sự phát triển du lịch bản địa.

Giữ rừng giữa thiếu thốn vô biên

Ông Biền Ngân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lưu là người đầu tiên có ý tưởng phải bảo vệ những cánh rừng dẻ sót lại, cho rằng, nếu không đời con cháu sẽ mất rừng, mất hệ sinh thái thì đói nghèo đeo bám mãi. Nghĩ là làm, 40 năm trước, đang làm Chủ tịch UBND xã, ông Ngân đã họp lãnh đạo xã, ban hành lệnh đóng cửa rừng. “Hồi đó toàn dân cứ vào rừng kiếm củi, vào rừng chặt phá đưa về miền xuôi lấy gạo đắp đổi qua ngày, bất chợt đóng cửa rừng là cả xã râm ran, 10 xã xung quanh cũng râm ran vì mất kế mưu sinh. Nhưng không đóng cửa rừng thì sau này không còn mầm xanh, đất đai cằn cỗi. Xã triệt để thống nhất, ai vào chặt rừng bị phạt nặng”, ông Ngân kể.

20170512_092740.jpg
Rừng dẻ Quảng Lưu chống biến đổi khí hậu cho 10 xã

Riêng xã Quảng Lưu những năm đó có 7.000 người bám vào rừng làm sinh kế . “Đó là thời kỳ nhà nhà vào rừng, 10 xã xung quanh dân khó quá cũng vào rừng nên giữ rừng phải tuần tra từng ngày. Thời buổi khó khăn vô cùng, đội bảo vệ rừng gồm 12 người chỉ được trả 200.000 đồng mỗi người một tháng, nhưng giữ rừng rất đam mê và tâm huyết, vì họ giữ lời thề với các bô lão là rừng còn làng mới còn”, ông Ngân chia sẻ. Có khi cả đội bị 40 "lâm tặc" vây đánh, họ vẫn giữ không cho dẻ bị chặt đưa ra khỏi rừng, giữ đến khi công an lên hỗ trợ, "lâm tặc" rã đám mới xem là an toàn.

20170911_100622_001.jpg
Mô hình nuôi ong trong rừng dẻ

Nay về hưu bên mé rừng dẻ, ông Ngân nhớ lại, sau 5 năm cấm triệt để, dẻ mới hồi sinh. Chim muông, động vật về nhiều, mới cho bà con vào rừng bẻ cành khô về đun nấu, ai ra khỏi rừng có cành tươi đều bị tịch thu và xử phạt. Từ đó ý thức bà con lên hẳn. Nhưng mối lo mới là khi cây keo tràm có giá, người dân lại vào đốt trộm, xâm lấn để trồng rừng kinh tế, lại một cuộc chiến mới để giữ rừng dẻ. “Năm 2004, người ở xã Quảng Châu vào khai phá để trồng keo, chúng tôi chốt chặn thì bị đánh đập, cuối cùng phải làm đơn kiện, cơ quan chức năng vào cuộc bắt 3 người, xử lý tù treo mỗi người 18 tháng thì rừng dẻ Quảng Lưu nay không còn bị xâm lấn”, ông Ngân nói.

Rừng đã thật sự thành "vàng"

Ông Ngân nói với tôi rừng đã thật sự thành "vàng", bởi rừng dẻ đã cho tiền tỷ. Ông Nguyễn Văn Tư, một người có lợi từ hạt dẻ kể: “Mỗi mùa hạt dẻ, mỗi người đi lượm chừng 3 tạ, thương lái đến mua được cả chục triệu, đó là "vàng" từ rừng mà ra. Bao nhiêu năm nay, hàng chục tỷ đồng từ rừng dẻ đã nuôi nấng người dân nơi đây, con em được học hành cũng từ đó, người đau ốm bệnh tật cũng được hạt dẻ cưu mang khi đến vụ".

IMG_20240513_154341.jpg
Hạt dẻ cho thu nhập mỗi năm 6 tỷ đồng ở Quảng Lưu

Ông Biền Ngân bấm đốt ngón tay rồi cho biết: “Sản lượng hạt dẻ người dân trong xã thu nhặt được mỗi năm hơn 150-200 tấn. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, toàn xã thu hơn 6 tỷ đồng. Đó là mới người dân xã Quảng Lưu, còn dân của 10 xã khác cũng vào thu hoạch nữa, con số tăng lên rất nhiều. Tiền tỷ là ở đó, "vàng" của rừng là từ dẻ”.

IMG_20240513_154402.jpg
Thu lượm hạt dẻ trong rừng Quảng Lưu

Nhưng có một thứ "vàng" quý khác ở Quảng Lưu và dân 10 xã lân cận là hơn 2.000ha rừng đã giúp hàng vạn dân chống được biến đổi khí hậu, tạo hành lang xanh cho địa phương phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Mùa hè xung quanh đây không còn cạn kiệt nguồn nước, mùa mưa lũ không vùi dập khủng khiếp như khi rừng chưa hồi sinh. Bên trong rừng dẻ thì động vật, chim chóc trở về càng thêm vui nhộn.

Ông Châu Đình Pha ở xã Quảng Châu cho biết: “Rừng dẻ Quảng Lưu đã cứu được các xã lân cận rất nhiều việc, làm cho người dân sống tốt hơn với môi trường, tôn trọng cái màu xanh của rừng. Rừng được sống thì làng xóm bền chặt, ruộng vườn trù mật, con người sung mãn, rừng xanh lên thì bảo vệ dân làng khỏi thiên tai, lũ ống, lũ quét”.

DSCN9413.JPG
Hồ chứa nước 10 xã vào mùa hè dưới bóng rừng dẻ

Ngày nay, không chỉ bảo vệ dẻ, người dân Quảng Lưu còn trồng dặm thêm mỗi năm 4 vạn cây giống các loại và truyền cảm hứng cho người dân các xã lân cận làm theo nên rừng ngày càng “nở bung” ra. Ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: “Nhân dân xã Quảng Lưu đã tạo được "vàng" với rừng dẻ hồi sinh, khó nơi nào có được. Đây là thể hiện ý chí quyết tâm, sự đoàn kết để bảo vệ môi trường trong sạch bền vững không chỉ hôm nay mà còn cho các thế hệ tương lai”.

DSCN9415.JPG
Mộ của danh sỹ Nguyễn Hàm Ninh trong rừng dẻ, một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong vùng

Ngày nay, trong rừng dẻ có mộ của danh sĩ Nguyễn Hàm Ninh, một địa chỉ văn hóa tâm linh được nhiều du khách lui tới khi thăm rừng dẻ. Nguyễn Hàm Ninh là bạn xướng họa của nhà thơ Cao Bá Quát. Sinh thời, con đường thiên lý đi qua rừng dẻ, hai ông đã cùng ngồi chiếu rượu xướng họa ở con đường nơi đây, trở thành thiết thân trong hành trình vào Huế ứng thí và làm quan.

Tin cùng chuyên mục