Khuyến khích chuyển đổi mô hình hoạt động

Xung quanh những nỗ lực hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM.

1-1755.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM

PHÓNG VIÊN: Xin bà cho biết, thời gian qua, thành phố đã có những chính sách hỗ trợ gì cho lực lượng thu gom rác dân lập?

* Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ: Hiện nay, lực lượng thu gom rác dân lập đang thu gom đến 60% lượng rác thải sinh hoạt của thành phố. Xác định đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc thu gom rác thải sinh hoạt nên thành phố luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng này tham gia vào hợp tác xã, doanh nghiệp có pháp nhân rõ ràng để họ được đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội và cơ quan chức năng cũng dễ quản lý.

Việc tham gia vào các hợp tác xã thu gom rác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xã viên và người lao động hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp, có thể được hưởng các quyền lợi cơ bản cũng như một số chính sách hỗ trợ hoạt động. Từ đó, người lao động có nguồn thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên.

Cụ thể, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho lực lượng thu gom rác dân lập như cho vay vốn ưu đãi chuyển đổi phương tiện thu gom chất thải sinh hoạt thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường - đơn vị trực thuộc Sở TN-MT TPHCM, với lãi suất 4,27%/năm (thời gian vay không quá 7 năm, tùy theo từng trường hợp cụ thể).

Đối với các cá nhân thu gom rác quy mô nhỏ, không đủ tiền để chuyển đổi sang phương tiện cơ giới, có nhu cầu mua sắm thùng đựng rác mới, mong muốn học nghề khác để chuyển đổi nghề nghiệp thì có thể liên hệ Quỹ Trợ vốn xã viên hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã thành phố để vay tín chấp, với tổng mức vay không quá 60 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động ngành thu gom rác.

* Với những chính sách hỗ trợ như trên, đến nay kết quả thực hiện như thế nào?

* Các cơ quan chức năng của thành phố luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích và hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập hoạt động tự do tham gia vào các hợp tác xã, doanh nghiệp vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho một bộ phận không nhỏ người dân và chuyên nghiệp hóa công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt của thành phố.

Tính đến thời điểm hiện nay, TP Thủ Đức và 19/21 quận huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành hợp tác xã, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, đạt tỷ lệ 98,72%.

Cụ thể, 2.618/2.653 tổ, đường dây thu gom rác dân lập đã được vận động tham gia vào hợp tác xã, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Hiện còn khoảng 35 tổ, đường dây thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân hoạt động trên địa bàn thành phố.

Đối với việc chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác, từ năm 2021 đến tháng 5-2023, TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục rà soát, chuyển đổi 1.450 phương tiện (gồm 748 thùng 660 lít và 699 ô tô chở rác). Đồng thời, qua cập nhật báo cáo của các địa phương, tổng phương tiện thu gom rác hiện hữu của thành phố là 6.575 phương tiện (trong đó, 2.565 phương tiện không đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 38,87% và 4.019 phương tiện đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 61,13%);

Mặt khác, để chuyển đổi các phương tiện thu gom rác thô sơ (xe ba gác, xe tự chế...) sang phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, UBND TPHCM đã chỉ đạo các địa phương thực hiện lộ trình chuyển đổi. Cụ thể, đến hết năm 2023, TP Thủ Đức và các quận nội thành phải hoàn tất công tác chuyển đổi phương tiện, chậm nhất đến hết năm 2025, các huyện ngoại thành phải hoàn tất công tác chuyển đổi phương tiện vận chuyển rác.

k5a-5138.jpg
Phân loại rác tại nguồn ở một trung tâm thương mại (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

* Hiện nay, lực lượng thu gom rác dân lập vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chế độ an sinh, thành phố sẽ có những hỗ trợ gì cho lực lượng này trong thời gian tới, thưa bà?

* Để có những hỗ trợ cụ thể cho lực lượng thu gom rác dân lập về cơ sở vật chất, trang phục, đồ bảo hộ lao động, Sở TN-MT TPHCM đã có dự thảo gửi các sở, ngành trên địa bàn thành phố như Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở LĐTB-XH xin ý kiến để triển khai các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này chưa được thống nhất vì một số sở cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Do đó, Sở TN-MT sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án phù hợp để hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập.

Theo Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM, đối với hoạt động cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, quỹ đã thực hiện trước khi Công văn số 4448/UBND-ĐT ngày 2-10-2018 về triển khai Kế hoạch chuẩn hóa mẫu phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố được ban hành.

Từ năm 2015 đến ngày 22-11-2023, Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM đã tiếp nhận 157 hồ sơ đề nghị vay vốn của hợp tác xã, xã viên, cá nhân thu gom rác dân lập và doanh nghiệp thu gom rác, trong đó đã duyệt vay cho 134 hồ sơ với tổng số tiền gần 177 tỷ đồng. Hiện nay, đã giải ngân cho 121 dự án chuyển đổi 160 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn với tổng số tiền hơn 166 tỷ đồng.

Trong đó, lực lượng cá nhân thu gom rác dân lập đã giải ngân cho 15 dự án với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng; các doanh nghiệp tư nhân (gồm một số lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi tư cách pháp nhân) đã được giải ngân 36 dự án với số tiền gần 41 tỷ đồng; với hợp tác xã, xã viên đã giải ngân 44 dự án, số tiền 35 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục