Khuyến khích phân loại rác tại nguồn

Trung bình mỗi ngày TPHCM đang thải ra môi trường khoảng 8.000 tấn rác thải sinh hoạt và áp dụng biện pháp xử lý bằng cách chôn lấp là chính. Hình thức xử lý này khiến tình trạng ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết dứt điểm.
Thu gom rác phân loại tại nguồn ở hẻm 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1
Thu gom rác phân loại tại nguồn ở hẻm 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1
Nhằm giải bài toán xử lý rác thải trước thực tế gia tăng dân số cơ học trên địa bàn, kéo theo lượng rác thải không ngừng tăng lên, TP đã tìm đến giải pháp phân loại rác tại nguồn (PLRTN) để tái chế, sản xuất phân bón, ép rác phát điện... Thế nhưng, hiệu quả phân loại thời gian qua vẫn chưa cao do nhận thức của người dân còn hạn chế, phương án thu gom sau phân loại chưa phù hợp. 

Gắn với lợi ích kinh tế

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, trên địa bàn TP có 3 chủ nguồn phát thải lớn là từ hộ gia đình, chiếm 42%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại chiếm khoảng 40,5% và nguồn thải thứ 3 từ đường phố, trên kênh rạch, công viên, quảng trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết hiện nay người dân chưa chủ động phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Thêm nữa, có một bất cập là UBND các phường, xã chưa quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập nên việc điều phối lực lượng này tham gia chương trình gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, TP còn thiếu quy định, chính sách riêng để triển khai chương trình (kinh phí, nguồn lực, phương tiện thu gom phù hợp, cách thức, lộ trình thực hiện...) và các hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi không thực hiện phân loại và thu gom đúng quy định cũng chưa có. 

Hiện nay PLRTN đang là một trong những nhiệm vụ trọng điểm mà TPHCM quan tâm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát huy các lợi ích kinh tế trực tiếp cũng như gián tiếp. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, để thực hiện PLRTN thành công, nhiều quốc gia phát triển phải mất vài chục năm. Do vậy, TP cũng không thể nóng vội, gấp rút áp yêu cầu bắt buộc người dân PLRTN. TP sẽ đi từng bước một, chậm mà chắc. Trước tiên là tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, làm theo; đồng thời cần gắn với lợi ích kinh tế, an sinh xã hội… nhằm hướng tới việc bảo vệ môi trường bền vững. Chẳng hạn như, TP có thể ưu tiên xem xét các hộ dân thực hiện công tác thu gom, phân loại rác đạt hiệu quả để giảm phí hoặc miễn phí thu gom rác cho họ; với những công nhân thu gom rác dân lập, cũng nên xem xét hỗ trợ thăm khám sức khỏe miễn phí định kỳ, tặng đồ bảo hộ lao động… để họ thêm gắn bó, trách nhiệm với công việc. 

Thực tế, thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP đã tích cực, chủ động trong công tác PLRTN, gặt hái được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Điển hình như mô hình “Khu phố xanh” tại quận Tân Phú do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP phối hợp với UBND quận Tân Phú thực hiện. Với hình thức đổi rác vô cơ tích điểm để nhận quà, chương trình đã thu hút sự tham gia tích cực của hơn 2.000 hộ gia đình trên địa bàn quận. Điều đáng nói, hoạt động PLRTN của hơn 2.000 hộ gia đình tại quận Tân Phú đã được duy trì thành thói quen hàng ngày từ năm 2013 đến nay. Được biết, cách đây ít ngày, lãnh đạo TPHCM đã có chuyến khảo sát trực tiếp mô hình PLRTN ở hẻm 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1. Bà Đỗ Thị Bích Thủy, người dân ngụ tại hẻm trên, chia sẻ việc PLRTN đã hằn vào nếp sinh hoạt của người dân nơi đây từ hơn 2 năm qua. Ban đầu, một số hộ dân chưa quen thao tác phân loại nên còn lúng túng, nhưng sau đó quen dần, mọi người đều tự giác vì nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường TP. Ông Quách Kiều Long, Phó trưởng phòng TN-MT quận 3, thông tin quận 3 đang đẩy mạnh thực hiện PLRTN trên tuyến đường Võ Văn Tần, đồng thời triển khai chương trình tại 14 phường của quận. Tiêu chí hướng đến là đảm bảo mục tiêu chương trình PLRTN đặt ra. 

Chế tài xử phạt

Chủ trương của TP là kiên trì tuyên truyền, vận động người dân tham gia PLRTN, đặt ra lộ trình thực hiện; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, có phương án xử phạt hành vi không PLRTN. Về vấn đề này, tại buổi khảo sát về hoạt động PLRTN ở quận 1, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở TN-MT xây dựng kế hoạch có chế tài xử phạt hành vi không PLRTN. Riêng giai đoạn từ năm 2017-2018, TP sẽ triển khai thí điểm PLRTN tại một số phường, xã ở mỗi quận, huyện. Nếu có sai phạm chỉ nhắc nhở là chính, nhưng khi triển khai đại trà trên toàn TP thì sẽ có chế tài xử phạt cụ thể. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ thông tin thêm, trong 6 tháng cuối năm 2017, các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học các cấp, khu vực vui chơi giải trí, bến xe, khu trung tâm thương mại… sẽ được ưu tiên triển khai thực hiện PLRTN. Sở TN-MT cũng đang xây dựng quy định PLRTN, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan thực hiện chương trình (người dân, chủ nguồn thải, lực lượng thu gom, chính quyền địa phương) và chỉ rõ các hành vi vi phạm để làm cơ sở tiến hành xử phạt, dự kiến quy định này sẽ được ban hành trong năm 2017. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động thì công tác kiểm tra giám sát cần phải có lộ trình thực hiện để tiến hành xử phạt theo quy định tại Nghị định 155/2016-CP. Trong đó, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi không PLRTN lên tới 15-20 triệu đồng... Bà Trần Thị Hồng Cúc, Chủ tịch UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú, nhấn mạnh thêm: “Từ mô hình “Khu phố xanh” của quận cho thấy, để có thể xây dựng và duy trì mô hình trên, UBND quận và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP đã khảo sát, xây dựng quy cách thu đổi, thời gian thu đổi rác phù hợp với đời sống của người dân. Và quan trọng nhất là công tác thu rác theo quy cách phân loại phải được chuẩn hóa từ đầu”. 

Hàng loạt kế hoạch chi tiết, cụ thể đã được lãnh đạo TP vạch ra từ nay đến năm 2025 đối với công tác PLRTN. Để làm rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Đô thị HĐND TPHCM, nêu rõ, liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và thực hiện PLRTN nói riêng, vừa qua UBND TP đã tổ chức cuộc họp bất thường tìm hướng giải quyết. Theo đó, TP đặt mục tiêu từ năm học 2018-2019, đảm bảo 100% học sinh các cấp trên địa bàn TP được giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường; vận động 100% hộ gia đình, chủ nguồn thải chi trả phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, PLRTN đúng quy định. Tỷ lệ tham gia PLRTN và phân loại đúng quy cách đạt tối thiểu 50% đến năm 2020, tăng dần vào các năm tiếp theo và dự tính đạt tối thiểu 80% vào năm 2025. 

Để đạt được mục tiêu này, TP sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Dù còn nhiều khó khăn ban đầu nhưng với quyết tâm cao và sự phối hợp chung tay của các sở ban ngành, chính quyền, người dân thì công tác PLRTN chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả khả quan. Nhiệm vụ này không chỉ có ý nghĩa làm sạch môi trường thành phố mà còn tạo mỹ quan đô thị gắn với phát triển kinh tế từ nguồn tài nguyên rác thải.

Trẻ nhỏ làm việc nhỏ

Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không chỉ nhắm vào những người trưởng thành, mà đã và đang tập trung vào thế hệ trẻ, trong đó trẻ em luôn được quan tâm đặc biệt. Tại một cuộc họp về môi trường cách đây ít ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã đưa ra gợi ý nên khuyến khích trẻ em theo tinh thần “trẻ nhỏ làm việc nhỏ”, cùng phân loại rác thải tại nguồn. Điều này nhằm rèn luyện ý thức tích cực, tinh thần tự giác trong việc bảo vệ môi trường, định hình thói quen tiến bộ, có trách nhiệm cho trẻ trong tương lai. 

Nhiều năm qua, ngành giáo dục đã chủ động lồng ghép vào chương trình học tập các bài đọc thêm về ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Ngoài ra, trên truyền hình cũng thường xuyên phát sóng các bộ phim hoạt hình theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học” rất sinh động, nội dung nâng cao kỹ năng sống, dạy trẻ ứng xử phù hợp với thiên nhiên. Ví dụ như ý thức giữ vệ sinh chung (không vứt rác bừa bãi, không hái hoa, bẻ cành, giẫm đạp lên thảm cỏ xanh, đi vệ sinh đúng nơi quy định…); tiết kiệm (điện, nước); học tập theo chủ đề liên quan đến môi trường sống… Song song đó, các kênh truyền hình dành cho thiếu nhi cũng thường phát sóng chương trình ca nhạc thiếu nhi với các sáng tác có nội dung vui nhộn, dễ nhớ, truyền tải thông điệp giữ gìn hòa bình, bảo vệ trái đất xanh. Nhìn chung, trẻ nhỏ đã và đang được cả xã hội trông đợi, kỳ vọng sẽ góp phần cải biến mạnh mẽ để môi trường sống trong lành, hài hòa, tốt đẹp hơn. 

Trẻ thơ như trang giấy trắng và người lớn, nhất là các bậc phụ huynh, chính là người cầm cọ vẽ các nét đầu đời lên những trang giấy ấy. Tuy vẫn biết “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” nhưng nếu thiếu đi vai trò định hướng quan trọng của gia đình, nhà trường và xã hội thì các bé rất khó trưởng thành. Chính vì thế, những “người cầm cọ” cũng phải không ngừng nỗ lực rèn luyện mình để trở thành những tấm gương sáng cho trẻ nhỏ noi theo.

Tin cùng chuyên mục