Chiều 31-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3-2021, đây là phiên họp cuối cùng trước khi kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Chính phủ khóa XIV.
Tối 31-3, chủ trì họp báo Chính phủ cuối cùng của nhiệm kỳ 2016-2021, đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết, chỉ còn vài ngày nữa sẽ thực hiện kiện toàn bộ máy Chính phủ; sẽ có một số thành viên Chính phủ không tiếp tục nhiệm vụ mà nghỉ chế độ hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. “Tính đến ngày 31-3-2021, Chính phủ không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật nào. D(ây cũng là nhiệm kỳ Chính phủ duy nhất cho đến nay không nợ đọng văn bản sang nhiệm kỳ sau” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ khóa XIV đã thực hiện tốt tinh thần làm việc đến ngày cuối cùng, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc bàn giao, kiện toàn bộ máy. Để Chính phủ khóa mới có được điều kiện tốt nhất triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm tính liên tục, tại phiên họp cuối cung của nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục tập trung bàn bạc, thảo luận về những vấn đề cấp bách, nổi cộm, để khuyến nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới chỉ đạo giải quyết trong thời gian sắp tới”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến tinh thần truyền lửa, khát vọng phát triển cho Chính phủ nhiệm kỳ mới, tiếp tục tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa kinh tế đất nước phát triển.
Tại phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường trong phòng chống dịch CovidD-19. Thực hiện quyết liệt "5K +vaccine", kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại trong cộng đồng. Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine, cũng như có kế hoạch nhập khẩu vaccine để phục vụ tiêm phòng trên diện rộng, đồng thời, sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế "hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy thương mại, đầu tư.
Tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, phù hợp với các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Điều hành chính sách tiền tệ một cách, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Giữ ổn định thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, đồng thời đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt…
Tại buổi họp báo, đề cập đến tình trạng sốt đất hiện nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với bất động sản (BĐS), ngăn không để bong bóng thị trường, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thêm, một trong những nguyên nhân khiến sốt đất là một số đối tượng tung tin về quy hoạch, giá đất... Còn tín dụng BĐS luôn được Ngân hàng Nhà nước quan tâm, kiểm soát kỹ trong những năm qua. Nếu có dấu hiệu rủi ro, Ngân hàng Nhà nước sẽ cảnh báo kịp thời đối với các ngân hàng thương mại.
Theo ông Đào Minh Tú, dư nợ cho vay BĐS của ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng hiện nay (2,04%). Tín dụng BĐS có 2 loại: các dự án lớn, tính thanh khoản không cao thì ngân hàng kiểm soát rất chặt; còn tín dụng cho BĐS phục vụ cho nhu cầu người dân (nhà ở thu nhập thấp..) thì các ngân hàng vẫn tạo điều kiện. “Trước dấu hiệu BĐS tăng thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã khuyến nghị các ngân hàng, tuy nhiên mức tăng tín dụng BĐS 2,13%, cũng chỉ ở một số tổ chức tín dụng”, Phó Thống đốc cho biết.
Về định hướng điều hành lãi suất thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, quan điểm vẫn là duy trì sự ổn định hiện nay, kể cả lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trong chính sách tiền tệ sẽ theo dõi chặt chẽ các yếu tố tác động của thế giới, thị trường để điều hành lãi suất. Nếu các chỉ số theo hướng tích cực thì sẽ tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng, kể cả lãi suất huy động, trong đó có tạo điều kiện lãi suất cho doanh nghiệp.
Trả lời bao giờ mở lại các đường bay quốc tế, trong đó có vấn đề “hộ chiếu vaccine”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, đây vẫn là vấn đề mà các quốc gia còn tranh luận, cân nhắc. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ ngành để có phương án phù hợp.
“Vấn đề hộ chiếu vaccine phải cân nhắc, tính toán rất kỹ để hài hòa cả 2 lợi ích: mở cửa kinh tế nhưng phải bảo đảm an toàn, do đó phải tính toán rất kỹ, làm từng bước” - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu.