
Sở GTVT TPHCM vừa triển khai kiểm tra sức khỏe tài xế làm việc cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc khám sức khỏe và kiên quyết không để các tài xế không đủ tiêu chuẩn sức khỏe tiếp tục cầm lái ở TPHCM khó hoàn thành trước ngày 30-4 như chỉ đạo của Bộ GTVT.
Doanh nghiệp tự tổ chức khám
Hiện nay, tại hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách chạy tuyến đường dài cũng như vận tải hàng hóa, nhân viên lái xe đều được khám sức khỏe định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần. Tuy nhiên, trong giấy khám sức khỏe chưa có danh mục xét nghiệm máu hay nước tiểu nhằm phát hiện chất ma túy trong giới tài xế.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây cho biết, kiểm tra sức khỏe là việc của các doanh nghiệp vận tải, bến xe không quản lý. Hiện nay bến xe chỉ thực hiện việc tuyên truyền cho doanh nghiệp và các lái xe.
Tại Bến xe Miền Đông cũng vậy, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe này cho biết, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm vì họ tuyển tài xế. Bến xe chỉ kiểm tra và đình chỉ khi tài xế say xỉn nhưng trường hợp này hi hữu lắm mới xảy ra. Bến xe Miền Đông hiện có trên 3.000 đầu xe của hơn 200 doanh nghiệp, nhưng nếu bến yêu cầu mà họ không đi kiểm tra thì đành... chịu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải hành khách có thương hiệu như Mai Linh, Phương Trang, Thành Bưởi… hàng quý đều kiểm tra sức khỏe lái xe và phần lớn đều đảm bảo. Theo các doanh nghiệp này, nếu sở yêu cầu họ khám ở bệnh viện hay đơn vị nào thì doanh nghiệp đưa nhân viên lái xe đến đó để khám.

Tài xế xe khách cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải TPHCM, cho rằng: Lâu nay, doanh nghiệp vận tải đều tự tổ chức cho nhân viên lái xe khám sức khỏe định kỳ nhưng trong giấy khám sức khỏe không có danh mục đề cập đến kiểm tra chất ma túy hay chất gây nghiện khác.
Chính vì thế, để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT TP cần phối hợp Sở Y tế, Công an TP kiểm tra đồng loạt. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp và xử lý nghiêm doanh nghiệp nào sử dụng những tài xế sử dụng ma túy.
Theo giới kinh doanh xe tải, đối với các xe khách đường dài, thành phần lái xe, phụ xe sử dụng ma túy hiện nay không ít. Nhiều nhất là những trường hợp chủ xe khoán trắng cho lái xe.
Thử máu khi thi bằng lái
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo việc kiểm tra sức khỏe người lái xe với tất cả loại xe có kinh doanh vận tải, gồm xe khách liên tỉnh, container, xe hàng, xe buýt, taxi, xe khách hợp đồng, du lịch... Thực hiện khám sức khỏe định kỳ với lái xe và coi đây là điều kiện bắt buộc để được cấp phép kinh doanh vận tải. Trong khám sức khỏe định kỳ, yêu cầu phải có danh mục xét nghiệm máu, kiểm tra ma túy.
Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, Bộ GTVT cần xác định rõ nội dung, danh mục, dạng bệnh lý phải khám trong đợt này. Vì nó liên quan đến thời gian tạm ngưng chạy xe để đi khám, kinh phí của doanh nghiệp hoặc của lái xe... Thời gian khám phải được thực hiện định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần. Hiện nay, việc khám sức khỏe cho người học, đủ điều kiện lái xe được thực hiện bởi các tổ y tế do các bệnh viện cử xuống các cơ sở, trường dạy lái xe.
Do đó, dù khám theo 33 tiểu mục quy định nhưng cũng chỉ là khám ngoài da. Các tổ y tế này không được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị để phát hiện các dạng bệnh về tâm thần, tim mạch… và hầu hết chỉ khám cho có.
Ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở GTVT cho biết, sở đang kiến nghị Bộ GTVT, khi thi các bằng dấu C, D, E, FC phải khám sức khỏe có thử máu. Đợt khám sức khỏe này phải do các bệnh viện thực hiện, không nên để các tổ y tế khám như thời gian qua. “Sự tham gia của các bệnh viện vì ngoài việc khám các bệnh phức tạp, kiểm tra máu thì con dấu tròn của các bệnh viện còn là cơ sở pháp lý để Sở GTVT xác định, loại trừ người lái nghiện ma túy ra khỏi việc lái xe kinh doanh vận tải”, ông Võ Trọng Nhân nhấn mạnh.
Sở GTVT cũng sẽ đề xuất Bộ GTVT sớm đưa ra các biện pháp chế tài mạnh mẽ với các doanh nghiệp sử dụng lái xe nghiện hoặc không chịu đưa người lái xe đi khám sức khỏe. Các doanh nghiệp vi phạm có thể bị rút giấy chứng nhận kinh doanh vận tải.
Trong Nghị định 91/2009/NĐ-CP hiện tồn tại nhiều bất cập, nhất là việc quản lý hoạt động của các HTX vận tải. Hiện nay, đa phần các hợp tác xã thành lập để thu cổ phần, có HTX có 200 xe khách nhưng chủ nhiệm HTX không quản lý nổi 10 xe. Vì thế, Bộ GTVT cần xem xét, kiến nghị điều chỉnh nhằm tăng cường vai trò quản lý của chính doanh nghiệp, HTX. |
QUỐC HÙNG