Kiểm tra ứng phó với áp thấp, mưa lũ tại tỉnh Bình Định

Trong ngày 9-10, Đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về kiểm tra ứng phó với áp thấp, mưa lũ đã đi kiểm tra hiện trường và làm việc với UBND tỉnh Bình Định về công tác phòng chống mưa bão năm 2020 và ứng phó với áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông.
Đoàn công tác Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về kiểm tra ứng phó với áp thấp, mưa lũ kiểm tra các hồ chứa ở Bình Định

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về kiểm tra ứng phó với áp thấp, mưa lũ cho biết, hiện tại biển Đông đang hình thành vùng áp thấp nhiệt đới có thể sẽ mạnh lên, giật cấp 6 đến cấp 9, có khả năng sẽ mạnh thêm. Do đó toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động ở vĩ tuyến 12 đến 16 vĩ độ Bắc - 114 đến 118 kinh độ Đông đều có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Bình Định hiện có 6.035 tàu cá, trong đó 3.143 tàu đánh bắt nên địa phương cần chủ động triển khai ngay các phương án để cảnh báo khu vực nguy hiểm, hướng dẫn các ngư dân kịp thời tránh trú an toàn.

Ngoài ra, ông Tiến biểu dương việc cứu hộ cứu nạn thành công 11 thuyền viên trong vụ đắm tàu cá ở vịnh Quy Nhơn vào rạng sáng 8-10. Qua đó, ông Tiến yêu cầu ngành chức năng Bình Định cần phải xây dựng ngay phương án cảnh báo bằng đèn báo, phao báo các khu vực có tàu đắm trên vịnh Quy Nhơn.

Ông Tiến cho biết thêm, theo báo cáo của ngành chức năng Bình Định, địa phương hiện có 163 hồ thủy lợi, trong đó có 16 hồ bị hư hỏng xuống cấp, có 10 hồ hạn chế tích nước, có nguy cơ mất an toàn trong mưa lũ.

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, liên tiếp trong 4 năm trở lại đây, Bình Định là địa phương hứng chịu rất nhiều thiệt hại từ mưa bão. Trong đó, sự cố 9 tàu hàng bị đắm ở vịnh Quy Nhơn trong cơn bão số 7 (năm 2018) khiến cho gần 100 thủy thủ, thuyền viên, du khách bị rơi xuống biển, hàng chục người tử vong.

Đến năm 2019 Bình Định xảy ra 2 cơn bão làm cho 34 tàu cá ngư dân bị đắm (9 tàu cá loại lớn) và hàng chục tàu bị đứt neo, trôi dạt. Ngoài ra, trong năm 2019 triều cường còn cuốn sập tuyến kè biển xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) làm sập và hư hỏng 14 ngôi nhà…

Chiều cùng ngày (9-10), Chi cục trưởng Chi cục QLĐB III.2 Trần Thái Hòa cho biết, từ chiều 8 đến ngày 9-10, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Quản lý đường bộ tỉnh Quảng Ngãi huy động nhân lực, phương tiện để khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở ở tuyến đường Trường Sơn Đông từ Quảng Ngãi đi Kon Tum. Trong chiều 9-10, cơ bản tuyến đường đã được thông tuyến, các phương tiện đã lưu thông trở lại.
Khắc phục sạt lở đất ở đường Trường Sơn Đông.
Mưa lớn tại Quảng Ngãi những ngày qua khiến nhiều vị trí tại đường Trường Sơn Đông bị sạt lở, gây chia cắt giao thông từ Quảng Ngãi đi Kon Tum.

Trước đó, trong ngày 6 đến 8-10, do ảnh hưởng của mưa lũ nên tuyến đường Trường Sơn Đông qua tỉnh Quảng Ngãi tại Km 165+150, Km 165+260, Km 165+550 và Km 171+250, Km 163+00… bị sạt lở nặng, khiến cho giao thông từ Quảng Ngãi đi Kon Tum bị chia cắt. “Khối lượng sạt lở khoảng trên 3.000m3 đất và cây cối trong rừng sạt sập xuống tràn ra mặt đường”, ông Hòa cho biết.

Tin cùng chuyên mục