(SGGP).- Trong 2 ngày 3 và 4-8, tại TPHCM, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung các Dự án Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các phát biểu tham luận của đại diện TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Liên đoàn Luật sư, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an và cơ quan tư pháp các tỉnh thành phía Nam đã tập trung vào các vấn đề lớn như: Quyền thu thập chứng cứ của luật sư bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); các quy định bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; vấn đề tố tụng hình sự góp phần chống bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; vấn đề tạm giam và thời hạn tạm giam; trình tự xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm và các quy định bảo đảm thực hiện tranh tụng tại phiên tòa… Theo đại diện TAND tối cao, việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự cần có quy định ràng buộc đối với luật sư khi đăng ký và được cấp giấy chứng nhận bào chữa, vì thực tế có nhiều luật sư đã được phép tham gia quá trình tố tụng nhưng không ra tòa, hoặc tìm cách hoãn phiên tòa, gây tốn kém chi phí và mất thời gian. Luật sư Phan Trung Hoài (Liên đoàn Luật sư) cho rằng vẫn còn những rào cản trong quá trình luật sư tiếp cận hồ sơ, bị can, bị cáo, nhất là ở giai đoạn điều tra. Đại tá Đoàn Tất Kỉnh, Phó Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, kiến nghị, các dự án bộ luật sửa đổi cần quy định chặt chẽ về thời hạn tạm giam, thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo là nữ, vì trên thực tế có nhiều trường hợp lợi dụng việc mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng để được tại ngoại…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, quan điểm sửa đổi, bổ sung các bộ luật hình sự và tố tụng hình sự lần này nhằm phù hợp với Hiến pháp mới, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp, giảm oan sai, vi phạm tố tụng của các cơ quan chức năng thực thi pháp luật từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử. Ủy ban Tư pháp Quốc hội sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự rộng rãi đến các giới đồng bào, các cơ quan chức năng và các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp, trước khi trình Quốc hội quyết định.
HOÀI NAM